Nông sản Việt ùn ùn xuất khẩu sang châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong tuần qua, nông sản Việt liên tục làm thủ tục xuất khẩu sang châu Âu sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mở ra nhiều tín hiệu tích cực. Ngành nông nghiệp đang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành là 40 tỷ USD dù nền kinh tế thế giới gặp khó khăn chồng chất do dịch bệnh.
Cà phê Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phát huy ưu thế cạnh tranh do những lợi thế mà EVFTA mang lại

Cà phê Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phát huy ưu thế cạnh tranh do những lợi thế mà EVFTA mang lại

Những tín hiệu tích cực

Ngày 22-9 vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu lô gạo thơm 126 tấn đầu tiên sang EU theo Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA). Theo thống kê, hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6,4 - 7 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với giá trị trên 2,8 tỷ USD. Tám tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng năm, EU nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo, do vậy khi thực hiện EVFTA, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU. Hiện EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gạo vào EU đạt trên 15.800 tấn với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Xuất khẩu gạo trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, Hiệp định EVFTA là chìa khóa để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng, EU với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD là thị trường lớn có mức thu nhập cao.

Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác, có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU.

Bộ NN&PTNT cho biết, mục tiêu xuất khẩu của ngành năm nay vẫn duy trì 41 tỷ USD, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tình hình sản xuất lúa gạo trong những tháng đầu năm 2020 vẫn đảm bảo, duy trì như cùng kỳ năm 2019. Dự kiến năm 2020 tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6 - 3%, trong đó nông nghiệp tăng 2,85%; thủy sản tăng 3,0%; lâm nghiệp tăng 2,57%.

Thống kê sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Trong đó vừa qua thị trường đã chứng kiến các lễ̃ xuất khẩu nông sản sang EU như: tôm nước lợ tại Ninh Thuận ngày 11-9; cà phê, chanh leo tại Gia Lai ngày 16-9; trái cây tại Bến Tre ngày 17-9. Ước tính sơ bộ cho thấy giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tháng 8-2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7-2020.

Tận dụng cơ hội mới

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), tháng 8-2020, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ (tăng 28,6%), EU (tăng 15,7%), Hàn Quốc (10,2%), Anh (tăng 16,4%), Canada (tăng 17,2%), Australia (tăng 20,5%).

Thanh long sắp được xuất khẩu sang thị trường EU với những ưu đãi theo Hiệp định EVFTA

Thanh long sắp được xuất khẩu sang thị trường EU với những ưu đãi theo Hiệp định EVFTA

Đặc biệt, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU trong tháng 8-2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm. Nhờ tác động tích cực ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam sang EU về 0%, tôm chế biến sẽ có lộ trình giảm thuế từ 5-7 năm. EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 13,6% tổng giá trị xuất khẩu.

Trong khi các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan không được hưởng GSP (Hệ thống ưu đãi phổ cập nhằm mục đích giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu hàng hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế phát triển), không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, việc triển khai EVFTA đã bước đầu cho thấy những kết quả tích cực. Tháng 8-2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7-2020. EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 - 11% xuống 0%), các loại cà phê chế biến từ giảm từ 9 - 12% xuống còn 0%. Đồng thời, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có chỉ dẫn địa lý về cà phê. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.

Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp thu năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất của Việt Nam để gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ NN&PTNT nhận định, với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác quốc tế, các nước thành viên EU, việc triển khai EVFTA đã diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê và gạo. “Bộ NN&PTNT luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn.

Các địa phương, doanh nghiệp cần xác định nhóm ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, mang tính bổ trợ để tập trung thúc đẩy xuất khẩu vào EU như: thủy sản, cà phê, hạt điều, tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ, trái cây cả tươi và chế biến, gạo. Trong đó cần quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường” - lãnh đạo Bộ NN&PTNT bày tỏ.