Người thầy nhân hậu

(ANTĐ) - Năm nay, thầy vào tuổi tám mươi, vẫn vóc hạc mình mai như ngày nào, khi tôi là giáo sinh trường Sư phạm miền núi Trung ương Hà Nội.

Người thầy nhân hậu

(ANTĐ) - Năm nay, thầy vào tuổi tám mươi, vẫn vóc hạc mình mai như ngày nào, khi tôi là giáo sinh trường Sư phạm miền núi Trung ương Hà Nội.

Thầy Lương Gia Ninh
Thầy Lương Gia Ninh

Thầy vào nghề, dạy trường Sư phạm mà phần lớn giáo sinh là giáo viên, Hiệu trưởng, cán bộ ngành giáo dục của các tỉnh miền núi phía Bắc được cử về học ở trường khi thầy mới ngoài 30, người Hà Nội gốc, có học trò bằng tuổi thầy, dạy Văn ở hai lớp Xã hội 1 và Xã hội 2.

Thầy dạy môn Văn rất tận tâm, say sưa, cẩn thận, giáo sinh nào cũng thích. Tuy còn trẻ nhưng kiến thức của thầy đã cao, tác phong đĩnh đạc, rất tôn trọng học trò, hiểu giáo sinh khi lên lớp.

Tác phong nghiêm chỉnh của thầy thể hiện từ lời nói, giọng nói đủ nghe, không nói to, không nói nhanh, cứ thủng thẳng... đến cách mặc ăn mặc, không bao giờ bỏ áo sơ mi ra ngoài quần và cài cúc ở tay áo dài khi vào lớp, không hút thuốc lá.

Thầy quý trọng và thông cảm với việc học của các giáo sinh người dân tộc miền núi, cán bộ học xa nhà khi đã có gia đình. Lúc kiểm tra và chấm bài, thầy ghi và chữa tỉ mỉ, chữ viết đẹp. Trong lớp có ai tỏ ra háo hức và có năng lực về môn Văn, thầy khích lệ ngay.

Tôi còn nhớ một bài tập làm văn, tôi mải theo hứng viết, nên miên man, chỉ chú ý nhiều tới văn, dẫn chứng những tác phẩm ngoài chương trình học, ở tác phẩm mới xuất bản. Thầy cho điểm 4 (cao nhất là điểm 5) và gặp tôi, nói: “Làm bài ở trường, văn là văn trường ốc, không như viết báo, viết truyện. Bài của anh văn hay nhưng vượt đề bài, dù viết công phu nhưng phá cách, cần lưu ý, anh có khả năng văn đấy”.

Sau đó tôi mới biết được, để chấm bài của tôi, thầy đã phải tới thư viện mượn cuốn sách mới mà tôi đã dẫn chứng trong bài viết để xem có đúng không. Khi cho điểm, lẽ ra chỉ được điểm 3, thầy cho điểm 4 để tôi khỏi nhụt chí mà mất hứng văn.

Những năm thầy chuyển về dạy ở trường Trung học Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, thầy luôn được nhà trường phân công làm chủ nhiệm các lớp có nhiều học sinh “cá biệt”.

Thầy cảm hóa học sinh bằng tình thương yêu và đức độ của mình. Một lần nghe mấy em học sinh lớp 11 nói tục, thầy bước tới, cười và nói: “Nghe ghê tai lắm!”. Mấy cậu học sinh nghe chữ “ghê” mà đỏ mặt, cúi đầu. Thầy không bao giờ gay gắt, mắng học trò, không định kiến với học sinh nào.

Giờ, vào tuổi 80, tại căn buồng nhỏ ở tầng 2 số nhà 5 phố Tràng Thi luôn có học trò cũ đến thăm thầy. Cán bộ trung - cao cấp có, nhà văn, nhà thơ có, từ Tây Bắc - Việt Bắc viết thư hoặc đến thăm thầy. Thầy là thầy Lương Gia Ninh.

Nhà văn Phong Thu