Người thân khóc nghẹn ngóng chờ các anh trở về

ANTĐ -Thông tin 9 quân nhân trên chiếc Casa 212 hy sinh như bóp nghẹt trái tim hàng triệu người dân Việt Nam. Đồng đội thương tiếc các anh, người thân đau xót, khắc khoải đón đợi các anh trở về.

Hình ảnh về anh cả Lữ đoàn 918

Cẩn trọng, kỷ luật trong công việc nhưng  phía sau khoang lái, những người lính ấy vẫn thật dung dị, thật đời và tếu táo. Và Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 – 1 trong 9 quân nhân hy sinh trên Casa 212 là người như thế.

Những ngày qua, căn nhà Đại tá Lê Kiêm Toàn tại khu tập thể Lữ đoàn 918 (Long Biên, Hà Nội) đóng cửa im lìm suốt. Vợ anh, chị Đặng Thu Lan cùng 2 con gái đã gần như kiệt sức sau nhiều ngày ngóng tin.

Hàng ngày, một bác sĩ quân y túc trực tại nhà Đại tá Toàn để chăm sóc sức khoẻ cho 3 mẹ con rồi chốc chốc lại chạy qua nhà bố mẹ anh Toàn bên phường Bồ Đề để theo dõi sức khoẻ cho 2 cụ.

Anh Lê Hùng giọng đầy tự hào khi kể về em trai.

Anh Lê Hùng, anh trai Đại tá Toàn chia sẻ: Đại tá Toàn là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, là người duy nhất nối nghiệp cha theo nghề phi công. “Trong công việc, em tôi là người vô cùng cẩn thận. Toàn bắt đầu lái máy bay từ năm 1982, đến nay đã có hàng nghìn giờ bay huấn luyện từ L-29, MIC-21, AN-26 và mới nhất là Casa-212. Đi đâu cũng được ngưỡng mộ gọi là thầy Toàn”, anh Hùng kể, giọng đầy tự hào.

Anh Hùng nói tiếp, trong công việc, anh Toàn nghiêm túc, kỷ luật, say mê là thế nhưng thường ngày chan hoà, bình dị và vô cùng tếu táo. Gặp ai cũng vui vẻ chuyện trò, đi đến đâu là mọi người cười phá đến đó.

"Hồi bố tôi vào viện, nó đến phòng thăm ông cụ, nói chuyện, pha trò rôm rả khiến tất cả bệnh nhân trong phòng dù đang đau đớn cũng cười lăn, cười bò. Nó có duyên đến lạ mà các anh em còn lại không ai có. Vì thế cả họ nhà tôi quý nó lắm”, anh Hùng âu yếm kể về em trai.

Ngoài những giờ bay kỷ luật, Đại tá Toàn luôn vui vẻ, tếu táo với mọi người.

Dù dành gần hết thời gian ở đơn vị với lịch huấn luyện, lịch giảng dạy dày đặc nhưng khi hàng xóm hay ở quê có việc là Đại tá Toàn xắn tay vào làm, không kẻ cả, nề hà.

“Là cán bộ cấp cao nhưng chú ấy hiền lành, tình cảm lắm. Ở khu này cứ có tiệc mà không có chú ấy là mất vui”, bà Hoa, hàng xóm chia sẻ.

Dưới con mắt đồng đội, là chỉ huy cao nhất nhưng Đại tá Toàn luôn giành việc khó về mình, luôn say mê, nhiệt huyết khi được giảng bài cho cấp dưới. Đôi lúc vui miệng mọi người hay gọi là “anh Toàn béo” – người luôn quan tâm, chia sẻ với các chiến sĩ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Có anh, mọi chỗ anh đến đều ngập niềm vui.

Dù cả gia đình đã chuyển lên trung tâm Hà Nội sinh sống từ nhiều năm nay, nhưng mỗi khi nhắc đến Đại tá Toàn, người dân vùng quê Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai luôn dành cho anh những tình cảm trìu mến nhất.

Ông Lê Đình Quảng không ngớt lời khen ngợi Đại tá Toàn.

Bà Nguyễn Thị Bích, cùng thôn chia sẻ: “Anh Toàn thì cả làng này có lạ gì. Anh ấy đã thoát ly nhiều năm nhưng hàng năm vẫn về quê đều đặn, thành đạt là vậy nhưng anh cư xử rất nền nã, kính trên nhường dưới nên trong làng ai cũng quý mến”.

Còn ông Lê Đình Quảng thì nhận xét: “Chú Toàn vừa có đức, vừa có tài, không chê vào đâu được”.

Những ngày Đại tá Toàn mất tích, người dân quê anh cũng hàng ngày ngóng trông mòn mỏi. Vì lòng quý mến, nhiều người dân đến chùa cầu khấn, mong một phép màu phù hộ cho anh bình an trở về.

Người vợ mòn mỏi ngóng chồng trở về

Trong con ngõ nhỏ ở thôn An Dương, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng, ngôi nhà của vợ chồng Trung úy Nguyễn Bá Thế người ra, vào không ngớt. Người thân của anh Thế từ trong quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, người thân của gia đình nhà vợ - chị Đào Thị Tuyết cùng hàng xóm ở xung quanh cũng thường xuyên qua lại, mong xem có thêm tin tức gì về anh.

Từ khi hay tin chồng mình cùng đồng đội gặp nạn, chị Đào Thị Tuyết suy sụp như thể không gượng dậy nổi. Ôm chặt 2 đứa con vào lòng, chị Tuyết thương chúng còn quá nhỏ không hiểu điều gì đang diễn ra.

Chị Tuyết (ngồi thứ 2 từ phải sang) dù  lo lắng nhưng vẫn tin chồng mình sẽ trở về.

Đứa con gái lớn 7 tuổi cùng với em gái nhỏ mới 7 tháng tuổi vẫn hồn nhiên nô đùa, thỉnh thoảng lại ngơ ngác nhìn lên mỗi khi nghe mẹ nựng chờ bố sẽ trở về.

Trung uý Nguyễn Bá Thế (SN 1982) trước khi chuyển về Lữ đoàn 918, anh công tác tại Lữ đoàn Thông tin 602, thuộc Bộ Quốc phòng. Trong thời gian chuyển công tác, anh được theo học đào tạo nghiệp vụ tuần thám tại Thuỵ Điển.

Vợ anh, chị Tuyết (SN 1984), trước là công nhân công ty TNHH Đình Đô, sau khi sinh em bé thì nghỉ hẳn. 

Chị Tuyết và Trung úy Thế bén duyên khi anh đang công tác ở một đơn vị Hải quân đóng gần nhà chị. 

Tình yêu nên duyên, đơm hoa kết trái, họ sớm về chung một mái nhà và có của để dành là 2  cô con gái đáng yêu Nguyễn Phương Linh (7 tuổi), Nguyễn Chi Anh (7 tháng tuổi).

Xác định làm vợ lính sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, từ khi anh Thế còn ở đơn vị Hải quân cho đến sau này chuyển sang đơn vị Cảnh sát biển, chị Tuyết vẫn một mình đảm đương gánh vác công việc nuôi con, chăm sóc gia đình những lúc chồng công tác xa nhà.

Hai đứa con gái nhỏ của quân nhân Nguyễn Bá Thế vẫn hồn nhiên trước sự lo lắng của người thân.

Phải đến gần đây, sau nhiều năm chắt chiu, dành dụm và hỗ trợ của người thân, bạn bè, anh Thế mới mua được mảnh đất và xây được căn nhà cấp 4, rộng chừng 30m2.

Anh xem đây như một món quà dành tặng cho vợ khi chị vừa sinh thêm đứa con gái thứ 2. Dù chưa hoàn thiện nhưng anh Thế vẫn muốn chuyển vợ con về nơi ở mới.

Trước chuyến đi công tác, anh Thế hẹn sẽ dành trọn những ngày nghỉ cuối tuần để về tranh thủ sơn sửa hoàn thiện căn nhà.

Và cũng như bao chuyến công tác trước, chị Tuyết tin rằng chồng mình sẽ trở về bình an sau chuyến đi tìm đồng đội lần này…

Cựu chiến binh già kìm nén nỗi đau nghe tin con hy sinh

Không khí đau buồn, thương xót bao trùm gia đình của Thiếu tá Nguyễn Văn Chính, chính trị viên phi đội, phi công cấp 3 Lữ đoàn 918, một trong 9 người có mặt trên máy bay Casa 212 gặp nạn.

Thi thể anh Chính được xác định danh tính đầu tiên ngay sau khi cơ quan chức năng tìm thấy do trong người có giấy tờ tuỳ thân.

Ở quê nhà thôn 14, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, Nam Định, người mẹ của chiến sĩ đã ngất lịm ngay khi nhận tin xác nhận con trai hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Chị Thịnh nói về người anh trai trong đau đớn.

Chị Thịnh, em gái ruột của chiến sĩ Chính kể, từ hôm nhận tin con trai mất tích, bà không ăn uống nổi và ngày ngày nuôi hy vọng anh Chính sẽ trở về.

"Hôm nay nhận tin anh Chính hy sinh, cơn đau tim của bà lại tái phát. Mọi người trong gia đình đều phải nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động lớn để bà không giật mình", chị Thịnh mắt đỏ hoe nói.

Ông Chiến, bố đẻ Thiếu tá mặt buồn trĩu nặng, đôi mắt đỏ hoe: “Mấy hôm nay cả nhà tôi không dám bật ti vi hay mở mạng lên, sợ lắm!”.

Trải lòng mình, ông Chiến nghẹn ngào rằng, 10 năm ông tham gia kháng chiến chống Mỹ thương tích đầy mình (thương binh hạng 4/4) vẫn trở về được mà nay đau đớn nhận tin con.

“Thời còn chiến tranh tôi chiến đấu và trải qua bao nhiêu làn bom đạn mà vẫn sống sót, giờ thời bình mà con trai tôi lại hy sinh”.

Cựu chiến binh già cố nén nỗi đau nghe tin con hy sinh.

Hai ông bà sinh được ba người con, hai trai và một gái út. Trong đó, riêng anh Chính có hơn 20 năm theo nghiệp quân ngũ, phụng sự Tổ quốc, là người con hòa nhã, thân thiện và được xóm làng, bạn bè quý mến.

Người cha già nhớ mới chỉ gần đây, hôm 30/5, con trai ông vẫn còn về thăm gia đình, ăn bữa cơm rau cà với bố mẹ, đi thăm anh em, chú bác rồi lại lên đơn vị công tác. “Đến giờ tôi vẫn không tin nổi đó là lần cuối cùng cha con tôi được đoàn tụ với nhau”, ông Chiến nói chực trào nước mắt.