Người rình bắt "ma"

ANTĐ - Pa Vây Sử (Phong Thổ - Lai Châu) quanh năm chìm trong sương mù biên giới, nơi mà bà con dân bản vẫn nghĩ cái bệnh là do con “ma” nó làm. Cũng ở nơi ấy, có một người lính kiên trì giúp dân bản rình bắt con… “ma”. Đó là bác sĩ quân y Trung úy Nguyễn Đình Hân, thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356.

Bác sĩ quân y phải bám sát dân để “rình bắt con ma”

Ám ảnh vùng biên

Từ rất lâu đời, cùng với Suối Tọ (Sơn La) thì ở Pa Vây Sử, Lai Châu đã có quá nhiều nỗi đau với những cái chết tức tưởi bởi lá ngón. Người Pa Vây Sử thường ví xứ sở xương mù biên giới của mình là thung lũng của “ma ngón”, vì ở đây lá ngón nhiều hơn rau hơn cỏ, lá ngón ngập tràn trên những lương ngô, trường học.

Người Pa Vây Sử thường cảnh báo người lạ vào địa phương không nên bứt lá bừa bãi trên đường, lỡ nhai phải lá ngón thì chỉ còn đường chết. Đã có trường hợp như vậy, không phải một mà là nhiều nên với người dân nơi đây, lá ngón không chỉ là thứ độc dược mà còn là thần chết, là quỷ dữ, ác thần của rừng.

Đại tá Ngô Văn Đang, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đóng trên địa bàn Pa Vây Sử đã phải trăn trở nhiều với nạn lá ngón. Bởi chỉ tính từ năm 2008 đến nay, sơ bộ đã có trên 20 trường hợp ăn lá ngón tự tử. Có trường hợp đôi tình nhân nọ không đến được với nhau đã cùng ăn lá ngón, họ chọn một nơi cách biệt khu dân bản vừa ăn lá ngón vừa treo cổ trên cây. Khi người đi rừng trong bản phát hiện ra thì hai cái xác đã phân hủy nặng.

Ngày 10-9-2010 anh Sùng A Lù ở bản Hang É cũng vì lí do mâu thuẫn gia đình mà ăn lá ngón để “vợ biết thế nào là lễ độ”. Kết cục, Sùng A Lù tử vong một cách đau đớn trước sự chứng kiến của gia đình. Cô bé Thào Thị Dung (13 tuổi), học sinh nội trú trường cấp II Pa Vây Sử trong lúc dại dột cũng ăn lá ngón “cho đỡ buồn”, đến khi thầy giáo phát hiện ra thì Dung đã lịm lúc nào không hay.

Theo tổng kết của UBND xã Pa Vây Sử, xã có 7 bản thì cả 7 đều có người chết vì lá ngón, ngay trong vườn của Trạm y tế Sì Lờ Lầu, lá ngón còn mọc tốt hơn cây thuốc.

Bỏ phố lên… mây

Khám bệnh cho bà con dân tộc

Người được dân bản tin yêu, kính trọng và cũng là người cứu dân bản khỏi tay “tử thần” là Trung úy Nguyễn Đình Hân. Trung úy Hân không phải người bản địa Lai Châu, anh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Năm 2004, Hân học ngành bác sĩ đa khoa tại Học viện Quân y. Năm 2007, Hân học xong thì được biên chế vào Bệnh viện 109. Gia đình, bạn bè hy vọng Hân sẽ thăng tiến ở đất Hà thành, nhưng không ngờ, năm 2008 khi thành lập Đoàn Kinh tế - Quốc Phòng 356, Hân quyết định bỏ phố lên… mây phục vụ bà con dân bản.

Những ai đã từng đặt chân đến Pa Vây Sử mới thấu hiểu hết những khó khăn, hiểm trở và cả những nỗi cô đơn miền biên viễn này. Đi cả chục cây số đường núi lổm nhổm đá, vây vít kín sương mù mới thấy lác đác dưới sườn đồi một hai ngôi nhà sàn. Ở nơi đây, có tiền cũng chẳng thể mua nổi một thứ gì cần thiết cho bản thân, vì đơn giản không có hàng quán hay bất cứ một hộ dân buôn bán nào. Tất cả đều là đá, lá ngón, sương mù và những mối nguy hiểm rình rập.

Trung úy Hân tâm sự: “Khi mới lên đây, mình cũng cảm thấy buồn vô cùng, nhưng rồi công việc đã “đẩy lùi” nỗi buồn ấy. Hơn nữa, tình quân – dân như cá với nước, bao bọc nhau mà sống nên mỗi người dân bản là một người cha, người mẹ, người anh chị trong nhà”. Hiện tại, Trung úy Hân đang là Bệnh xá trưởng, Bệnh xá kết hợp với Trạm y tế Pa Vây Sử có tổng 12 thành viên nhưng phải phân công nhau trên một địa bàn rộng lớn vùng biên giới nên nhiều lúc phải vượt hàng trăm cây số bằng xe U Oát hoặc bằng ngựa đi cứu người.

Bám đất, bám dân

Trung úy Hân vận hành máy siêu âm chẩn đoán bệnh

Có lẽ, chỉ ở Pa Vây Sử mới có kiểu chữa bệnh rình bắt “con ma”, lý giải về điều này, Trung úy Hân cho hay: “Cũng bởi tập tục của bà con dân bản, bất cứ vấn đề gì cũng do “con ma” làm nên họ không đến trạm xá, không tìm bác sĩ mà cúng ma đủ kiểu”. “Bắt mạch” được tâm lý của bà con, Trung úy Hân đã bàn bạc với các bác sĩ địa phương phải rình bắt “con ma”, thông báo “mật” tới các trưởng phó bản phát hiện gia đình nào có người ốm là báo ngay cho cán bộ y tế. Cán bộ sẽ cử người “mật phục” để “bắt ma” và chữa bệnh.

Cứ thế, sau vài lần tiêm, uống thuốc, dân bản khỏi bệnh lại được sự giải thích của cán bộ rằng: “Bệnh không phải do con ma, con ma không làm ra bệnh, nó cũng không chữa được bệnh mà phải chữa bằng thuốc”, dần rồi dân mới hiểu.

Nhưng có những tục lệ của người Mông bản địa khiến các cán bộ khó hơn “bắt ma”, đó là việc đỡ đẻ cho các sản phụ. Do tập tục người Mông, chồng không cho người nam giới khác đỡ đẻ cho vợ nên nhiều lúc cán bộ y tế phải trực chờ, đến khi sản phụ băng huyết, họ mới được vào đưa đi cấp cứu. Hoặc nếu có ai tiến bộ hơn, lên trạm xá để sinh con thì chỉ sau một lúc là họ trốn về theo tập tục nằm cạnh bếp lửa hoặc “ổ đẻ”.

Từ khi lên Pa Vây Sử, Trung úy Hân và các đồng nghiệp cũng phải thường xuyên cấp cứu cho những người ăn lá ngón. Theo bật mí của Hân, sau khi cho bệnh nhân nôn, phải dùng than hoạt tính để thấm độc. Có những bệnh nhân phải dùng đến 15 lít nước để rửa sạch ruột.