Người nghiện chưa thành niên được miễn, hoãn đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Sáng 6-4, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Pháp lệnh gồm 5 chương, 48 điều, áp dụng đối với đối tượng có tính chất đặc thù là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo Pháp lệnh, TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Để đảm bảo tốt nhất quyền của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh có những quy định cho Tòa án và Thẩm phán được tham vấn ý kiến, hoặc yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học… tham gia các phiên họp trong trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của người bị đề nghị.

Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; Tại phiên họp Thẩm phán mặc trang phục hành chính của TAND…

Nhằm đảm bảo quyền được học tập cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, Pháp lệnh quy định người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng được miễn, hoãn nếu đủ điều kiện và đã đăng ký tham dự hoặc đang tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoặc phải tham gia thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và được cơ sở giáo dục nơi họ học tập xác nhận.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về ý nghĩa của việc ban hành Pháp lệnh vào thời điểm này, ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, hiện nay, tình trạng người chưa thành niên sử dụng trái phép ma túy đang ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, việc cai nghiện tự nguyện lại chưa hiệu quả. Trong khi đó, việc cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người chưa thành niên bị bỏ ngỏ trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT.

Ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án TAND Tối cao trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo

Ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án TAND Tối cao trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo

Cũng theo ông Du, việc ban hành Pháp lệnh nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; Bảo đảm tính nhanh chóng, công khai, khách quan, công bằng, đúng quy định trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đồng thời bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi.

Về câu hỏi, “các cơ quan có liên quan đã chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc thi hành Pháp lệnh như thế nào, việc ban hành Pháp lệnh có tạo nên sức ép lên hệ thống các Tòa án”, ông Du cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm, quản lý trực tiếp đã rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện.

Sự ra đời của Pháp lệnh này sẽ làm gia tăng đáng kể khối lượng công việc cho các Tòa án, đặc biệt là các TAND cấp huyện. Bên cạnh đó, đây lại là một loại việc mới liên quan đến đối tượng đặc thù là người dưới 18 tuổi, nên đòi hỏi các Thẩm phán tham gia xem xét, quyết định phải là người đã được đào tạo, hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan.

“Hiện nay, TANDTC đang xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh, trong đó chú trọng chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nguồn nhân lực hiện có, để đảm bảo thi hành Pháp lệnh hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên nghiện ma túy” - ông Du nhấn mạnh.