Người mẹ của những thiên thần

(ANTĐ) - Khu lán lá đơn sơ nằm gần thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng khuất nẻo và vắng lặng. Chị Hương tất tả chạy hết chỗ này, chỗ kia hướng dẫn bọn trẻ tưới nấm, quét nhà, trồng rau...

Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10-1930/20-10-2007

Người mẹ của những thiên thần

(ANTĐ) - Khu lán lá đơn sơ nằm gần thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng khuất nẻo và vắng lặng. Chị Hương tất tả chạy hết chỗ này, chỗ kia hướng dẫn bọn trẻ tưới nấm, quét nhà, trồng rau...

“Hôm nay có chú nhà báo đến thăm đấy, nhanh lên các con”. Những đứa trẻ tật nguyền cười vui, cất tiếng chào rồi hấp tấp đi lấy nấm, xuống ao bắt cá, ra vườn hái rau. “ở lại ăn cơm với bọn trẻ, một bữa cơm đạm bạc nhà nghèo, đi em”. Tôi ứa nước mắt khi đón nhận những tình cảm thật lòng... 

Trần Thị Thanh Hương sinh ra trong một gia đình 3 đời theo cách mạng. Năm 1966 khi mới 16 tuổi, chị đã làm đơn tình nguyện xin ra chiến trường.

Chị Hương hướng dẫn các con trồng rau
Chị Hương hướng dẫn các con trồng rau

Có lẽ những trang viết đầy day dứt, khát khao được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, được một lần về Huế thăm bà nội của cô gái xinh đẹp trường chuyên Thái Phiên, Hải Phòng đã khiến các cán bộ tuyển quân mủi lòng. Thế là ra trận.

Chị Hương cười: “Với bản tính quyết liệt của người miền biển, tớ làm trinh sát. Rồi như một định mệnh, lúc hành quân, những lần về phép, tớ gặp những người đồng đội, nhận những lời trăng trối, và từ đó, tớ bắt đầu nuôi nấng những đứa con của lính, nhiều cháu tớ mang cả theo trên đường chiến đấu...”.

Năm 1978 khi cơ thể bị bệnh tật hành hạ, suy sụp, chị Hương đi khám và phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam. Cũng từ đó, chị càng dành nhiều tình cảm yêu thương và chăm lo cho những đứa con tật nguyền của những người đồng đội.

Lên rừng

Ai cũng bảo chị là người gàn dở khi đương ở thành phố hưởng nhiều chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước, lại đùng đùng bỏ lên vùng núi sát biên thuộc Móng Cái, Quảng Ninh mở một “trại” nuôi dạy trẻ là con thương binh, liệt sỹ.

Những trẻ con liệt sỹ không nơi nương tựa, những người đồng đội có hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi dạy con, những bé con CCB bị chất độc da cam, bị tật nguyền, chị đều tìm đến tận nơi nhận nuôi.

"Chị Hương tâm sự: “Tớ đã cảm nhận đến tận cùng nỗi đau, mất mát của chiến tranh. Nên khi xuất ngũ, tớ nghĩ mình phải làm điều gì đó vì những người đồng đội thân yêu. Đơn giản thế thôi. Và tớ đã nuôi đám trẻ, dạy cho chúng học chữ, dạy chúng biết lao động, biết đứng trên đôi chân của mình, làm việc để sống lương thiện, sống có ích cho cuộc đời sao cho xứng đáng là con của người lính. Đến bây giờ, tớ đã có cả đàn con gần trăm đứa. Có những cháu đã xây dựng gia đình và đảm bảo được cuộc sống...”.

Ngừng một lát, chạy ra sân hướng dẫn bọn trẻ trồng luống rau, trộn vạt đất, bà chủ “trại” na ná giống một dân buôn chợ Sắt tiếp: “Những ngày đầu vất vả lắm. Nghĩ ra việc gì có thể tạo thêm việc làm, có thu nhập nuôi các cháu, tớ đâm đầu làm tuốt. Từ đan len, thêu móc, trồng rau xanh, rán bánh... mày mò làm rồi hướng dẫn lại bọn trẻ. Có lẽ suốt ngày quần quật lao động mà dường như tớ và bọn trẻ sống cách biệt với thế giới bên ngoài, không biết bon chen, không dối lừa.

"Vì thế những sản phẩm làm ra đẹp đấy, chất lượng đấy nhưng bán khá khó khăn. Được cái trời thương, nhiều người biết, đến giúp đỡ, sẻ chia nên dần cuộc sống ổn định. Nhiều cháu trưởng thành đã xin ra ở riêng, thêm nhiều đứa mới bé bỏng hòa nhập gia đình”.

Và những chữ cái đầu tiên, những việc làm đầu tiên lại được “mẹ Hương” dạy đám trẻ. Chị bảo: “Có những đứa thiểu năng trí tuệ, mất vài ba năm chỉ để dạy mỗi việc biết tự tắm rửa, biết ăn cơm, biết chào. Những đứa minh mẫn hơn, bị khuyết tật chân tay lại thường bị mù chữ do không có điều kiện đến trường. Một cuộc chiến đấu mới của người chiến sỹ thời bình lại bắt đầu”.

Bộn bề sóng gió

Bệnh tình thất thường khiến chị Hương không yên lòng. Chị chưa bao giờ xa nổi bọn trẻ quá 3 ngày trừ lúc liệt giường trong bệnh viện. Nếu để chúng có cơm ăn, áo mặc, chẳng khó. Song khi thiếu bàn tay yêu thương của chị, bọn trẻ sẽ ra sao?

Nghĩ là làm, chị quyết định về Hải Phòng, mở một công ty cổ phần chuyên trồng nấm ăn, nấm dược liệu để cơ ngơi sau này phát triển, tất cả sẽ dành cho bọn trẻ. Tìm được mảnh đất hoang đầy cát ở phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn, chị lập dự án xin mở “trại” để những đứa trẻ tàn tật là con em CCB sản xuất kinh doanh.

Niềm vui sau một ngày lao động
Niềm vui sau một ngày lao động

Dự quê Yên Hưng, Quảng Ninh là con thương binh bị câm điếc; Hương ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa bị liệt 2 chân; Thêm, bố mẹ là thương binh, bị thiểu năng trí tuệ, cả ngày chỉ chui trong bụi rậm; Tuyền bị u bướu toàn thân... Mảnh đất cằn đến trồng cọ còn chết được cải tạo, chăm sóc biến thành vườn cây, ao cá xanh tốt. Các lán trại đơn sơ cũng được chị và các con dựng lên.

Một cơ sở trồng nấm ăn, nấm linh chi ra đời. Những đứa trẻ sau bao nỗ lực của chị, một số đã được đến lớp. Các sản phẩm của trẻ tật nguyền được thị trường chấp nhận. Cứ ngỡ cuộc sống cho bọn trẻ sẽ khá hơn sau bao khó khăn vất vả. Nhưng cuộc đời vẫn chưa thôi chòng ghẹo người phụ nữ nghị lực và những thiên thần của chị.

Mỗi năm, vài trận bão lớn, lốc xoáy sầm sập đến, nhà tốc mái xiêu vẹo, các lán trồng nấm xơ xác. Bao mồ hôi, nước mắt bay cả lên trời. Rất, rất nhiều tấm lòng đã đến, hiểu hoàn cảnh của chị và bọn trẻ đã gom góp gạch, lá, tre để chị làm lại mái nhà tranh.

Cũng có người đến xin lập dự án hàng tỷ đồng đầu tư nhưng lại lợi dụng bọn trẻ để kiếm tiền, đòi chia phần trăm. Chị uất quá, vác đòn gánh đuổi. Chị Hương bảo: Bọn trẻ đã cùng cực đến thế, tớ và bọn trẻ cũng chỉ muốn ổn định.

Thành phố đã có chủ trương cấp đất lâu dài cho Công ty Thiện Giao, song ở phường Ngọc Xuyên, có vị rắp tâm biến trung tâm đào tạo, nuôi dưỡng trẻ tàn tật thành “địa chỉ đỏ” hòng kiếm tiền trên nỗi đau của bọn trẻ. Tớ không đồng ý. Thế là hơn năm qua, cứ định xây nhà gạch cho bọn trẻ ở, chính quyền lại đến phá.

Cái đám chức sắc không còn lương tâm ấy còn chửi đổng tớ là con mụ điên, con mụ gàn dở, sướng mà không biết đường sướng, cứ thích ở như người rừng. Thực tâm, ai chẳng muốn những đứa trẻ thiệt thòi sung sướng. Nhưng các con của tớ, con của những người lính không thể đi xin để tồn tại”. Vì thế, chị càng quyết tâm dạy bọn trẻ, phải làm việc, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình.

Dựng lại lán trại sau cơn bão
Dựng lại lán trại sau cơn bão

“Tớ đã dạy các con tớ sống như thế”

Những đứa trẻ cười nói và hát cho tôi nghe liên khúc của ‘trại”: Hát mãi khúc quân hành, Như có Bác trong ngày vui đại thắng...  Một cảm xúc thật khó tả. Cái Thêm 14 tuổi đã biết quét nhà, biết vâng dạ song vẫn chưa thể gội đầu cho mình.

Ngày mới đến, cái Thêm ngơ ngẩn đến mức... ị ra quần cũng không biết. Chị Hương là người hàng ngày tắm, giặt quần áo cho nó. Lương, Hưng bị tật ở chân, bây giờ đã được mổ và đi lại bình thường, sắp được đi học ở tuổi 12-13. Việt, Hương khá nhất nhà và tương lai, Công ty Thiện Giao sẽ do 2 bạn quản lý.

Nhớ bữa cơm lúc chiều có món nấm khô xào, cá kho do chính những đứa trẻ tự nuôi trồng, tự nấu, tôi đã nghẹn lòng. Đã lâu lắm tôi mới được ăn một bữa cơm cùng với những người nghèo biết tự trọng. Chị Hương khá tinh ý, thoáng nét buồn.

“Tớ đã dạy các con tớ sống như thế. Nghèo mà không hèn. Hàng chục năm nay, tớ đã lam lũ cùng bọn trẻ, vui cùng niềm vui ngây thơ, trong trẻo của chúng và hàng ngày dạy chúng, cùng chúng làm việc. Em hỏi tớ tại sao lại sống được với đám trẻ có tới 80% bị thiểu năng trí tuệ? Trước em cũng nhiều nhà báo đến hỏi, tớ đã mắng xa xả. Nhưng với em, tớ thật lòng. Chỉ có tình cảm của một con người không vụ lợi mới hiểu những việc làm mà người ta cho là dở người như tớ.

"Bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu công sức, tất cả chỉ vì ước mong, các con tớ sẽ đứng vững được trước cuộc đời, không ăn bám và làm phiền xã hội. Được như thế, tớ đã làm tròn lời hứa với đồng đội, với những người đã hy sinh”.

Nhìn những đứa trẻ vui đùa với chị, gọi tiếng mẹ thân thương, và chị cũng xúc động gọi đám trẻ chị cưu mang là những thiên thần bé nhỏ, tôi hiểu câu nói của chị: “Tớ đã dạy các con tớ sống như thế”. Bọn trẻ đúng là những thiên thần vì các em đã có được sự hồn nhiên trong sáng, một tấm lòng, một tình yêu, một nhân cách từ bà mẹ... gàn ấy.

Hôm qua 20-10 là ngày sinh nhật chị. Đám trẻ giấu chị chuẩn bị một bữa tiệc mừng. Còn chị thì vẫn chưa hết đau đáu. Hôm nay, chị còn phải trèo lên lợp lại chái bếp bị bão cuốn mất mái, thêm ít rạ cho nấm, gắng cuối năm dư ra 5-7 triệu đồng cho đám trẻ liên hoan...

Trên những nẻo đường đi qua, may mắn sao tôi vẫn gặp những người “dở hơi” đáng trân trọng như chị, để thấy cuộc đời rất đẹp. Chúc chị Hương sức khỏe để chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, thêm niềm vui sống, tiếp tục dạy những thiên thần bé nhỏ của chị hai tiếng - làm Người.              

Đông Hải