Gia đình anh Phục tất bật sản xuất cờ phục vụ dịp Quốc khánh
“Bận lắm, cứ một năm vài vụ cả nhà lại bận tối mắt, đặc biệt là những dịp đại lễ của đất nước”, anh Phục vừa làm vừa nói. Bây giờ đang dịp Quốc khánh 2-9, các đại lý đặt nhiều cờ, anh Phục tiếp vội tôi chén nước rồi bắt tay vào việc ngay, vừa làm vừa nói chuyện. Anh cho biết, trong lúc cả làng làm thêu, các gia đình thêu những sản phẩm trùng nhau, đổ hàng cùng một mối nhưng đơn hàng chỉ có hạn, như thế chẳng khác nào người làng giành miếng ăn của nhau. Trước kia, anh còn làm chung với xưởng thêu của gia đình, rồi khi lấy vợ, tách ra làm riêng, anh quyết không làm những mặt hàng trùng với nhà mình và các hộ trong làng. Vậy là năm 1996, anh bắt đầu may cờ, cái khó lúc ấy là đầu ra. Anh Phục kể: “Lúc ấy khổ lắm, ngày nào cũng rong ruổi khắp các cửa hàng lưu niệm ở Hà Nội để bán cờ, chào rát họng mà không đắt, cuối cùng đành để hàng lại đó, khi nào họ bán hết thì họ trả tiền cho mình cũng được”. Bán chịu như thế, xưởng nhà anh cạn vốn, các đại lý cung cấp vải, mầu lại ráo riết đòi nợ, anh đành vay khắp nơi để trả, để nhập nguyên liệu sản xuất gối nhau. Cứ như thế, dần dà các đại lý đều biết đến anh, hết hàng họ lại gọi đặt hàng, việc ngày một đều.
Đến bây giờ thì anh không nhớ nổi đã may bao nhiêu cờ, “… ai mà đếm được, 15 năm làm nghề, có khi đến hàng triệu lá cờ ấy chứ”, anh Phục cười. May một lá cờ không khó, công đoạn cũng đơn giản, duy chỉ khó một điều là ghép vải để làm những lá cờ lớn. Năm nào anh cũng có đơn đặt hàng những lá cờ rộng tới mấy chục mét, có trải ra sân nhà cũng không hết. Lúc như thế, chỉ có thể tính toán vải và cắt bo rồi máy ghép lại sao cho chính xác, xong thì đem ra sân vận động mà trải ra. Lúc ấy mà phát hiện sai sót thì có mà bỏ đi làm lại.
Anh Phục còn nhận may cờ lưu niệm, cờ huân chương, in chữ lên cờ, có khi cả cờ nước Lào và cờ các nước trong khu vực phục vụ cho những hội nghị lớn. Bây giờ máy móc hiện đại nên việc may cờ đã bớt được một số công đoạn, ngay từ lúc cắt vải, thợ cắt dùng loại bút lửa để xén, xén đến đâu mép vải se lại đến đấy, thành ra không phải vắt sổ, không phải may viền. Ngoài ra, xưởng anh Phục còn sản xuất các loại cờ nhỏ, băng zôn đeo trên đầu để cổ vũ bóng đá. Những đại lý hàng lưu niệm trên phố cổ: Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Hàng Bông… đều nhập cờ nhà anh Phục.
Anh Phục còn may cả kỷ niệm chương, các loại cờ nhỏ
Công việc cứ lặp lại hàng ngày như thế, mỗi lá cờ anh xuất với giá 15.000 đồng, lãi chỉ vài nghìn đồng, tính ra thu nhập không quá cao, nhưng bù lại việc khá đều, “mình đã tạo được công ăn, việc làm cho cả nhà và hàng xóm nữa chứ” anh Phục vui vẻ kể. Bây giờ các ngành nghề thủ công trong làng đều thu hẹp quy mô sản xuất, nhiều nhà treo khung thêu chuyển sang nghề mổ vịt thuê, rồi chạy chợ. “Kiếm được hơn đấy, như mà nghề gia truyền bỏ đấy, đau xót lắm”, anh Phục ngậm ngùi.
Giờ thôn Từ Vân sinh ra nghề mổ vịt. Chị Hậu, làm thêu khăn trải bàn gần nhà anh Phục giờ cũng đi mổ vịt thuê, mỗi tiếng mổ vịt được 15.000 đồng, chịu khó làm từ sáng sớm tới chiều muộn cũng chỉ được 150-200.000 đồng. Vất vả như vậy mà thỉnh thoảng về nhà chị vẫn cầm lấy khung thêu, “… nhiều khi nhớ nghề lại đem khung ra thêu, tiếc là giờ người ta nhập ít hàng quá, không thể duy trì nghề được”, chị Hậu chua xót nói. Chính khó khăn như thế, hàng xóm ai cũng nể anh Phục vì sự sống chết với nghề may cờ của anh.
Tiễn tôi ra khỏi cửa, anh Phục chỉ vào con đường làng đỏ rực mầu cờ các gia đình treo mừng Tết độc lập, “Toàn cờ anh may đấy!”. Nếu tính theo hệ số cộng, thì những ngày lễ anh bán được không ít cờ, mừng cho anh, mừng cho làng thêu Từ Vân vì còn có người thủy chung với nghề.