Người lao động ngày càng “khôn” hơn

(ANTĐ) - Kinh tế khó khăn cùng với thông tin tuyển dụng “ảo”, người lao động “đứng núi này trông núi nọ” khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng thừa cung nhưng vẫn thiếu lao động.

Cái vòng luẩn quẩn
Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người lao động (NLĐ) nhảy việc là mức lương thưởng và chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp (DN) chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, trong điều kiện thông tin tuyển dụng được đăng tải, quảng bá rộng rãi, NLĐ có thể dễ dàng tìm hiểu về mức lương cũng như chế độ của các doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm người và từ đó xuất hiện tâm lý so sánh, lựa chọn. Khía cạnh tích cực của quá trình này là NLĐ được thông tin đầy đủ về thị trường và có quyền lựa chọn DN có chế độ tốt hơn để làm việc, do đó các DN cũng phải nhìn nhau để nâng cao tính cạnh tranh thu hút lao động.

 

Người lao động cần tỉnh táo, cân nhắc kĩ khi quyết định nhảy việc 

Tuy nhiên, thực tế NLĐ và DN đang rơi vào một vòng luẩn quẩn và thị trường lao động cũng bị lái theo xu hướng tiêu cực. NLĐ nhảy việc nhiều, DN thiếu người và luôn ở thế bị động nên thường đưa ra thông tin tuyển dụng ảo để phòng trừ trường hợp lao động bỏ việc, cứ như thế thị trường luôn thiếu lao động nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp vẫn tăng. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn gây không ít khó khăn đến đời sống, việc làm của người lao động.
Trong khi đó, mặc dù cũng thuộc lực lượng lao động phổ thông nhưng những người giúp việc tại các hộ gia đình lại có ưu thế hơn cả về lương, thưởng. Mức lương từ 1,8 - 2,5 triệu đồng đã bao gồm ăn, ở cho người giúp việc hiện nay là tương đương, thậm chí cao hơn lương cử nhân mới ra trường theo quy định của Nhà nước nhưng nhiều người vẫn kén chọn gây không ít khó khăn cho gia chủ. Chị Thanh Hoa, phố Nguyễn Khắc Cần, Hoàn Kiếm chia sẻ kinh nghiệm giữ chân người làm: “Tôi thỏa thuận rõ ràng ngay từ ngày đầu là nếu làm đủ 10-12 tháng thì nhận lương đủ 2,2 triệu đồng/tháng, từ 7-9 tháng thì chỉ trả 1,8 triệu đồng/tháng, cứ thế nếu chỉ làm từ 1-3 tháng thì 1,2 triệu đồng/tháng để người làm không bỏ việc giữa chừng”.
Gỡ rối từ hai phía
Cả bên tìm việc và bên tuyển dụng đều đang tự làm khó mình bằng chính lối tư duy lạc hậu và cách nhìn hẹp. Đã xuất hiện không ít DN lợi dụng tâm lý nhảy việc của NLĐ để trục lợi. Những DN này luôn tuyển số lượng nhiều hơn nhu cầu thực tế nhằm thay thế những lao động cũ và chỉ trả mức lương thử việc 75 - 85% so với lương thỏa thuận hoặc trả lương rất thấp - dưới 1 triệu đồng cho LĐ mới. Không chỉ thế, chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa hợp lý khi quy định NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng nếu tham gia BHTN đủ từ 12 - 36 tháng, như vậy tiền trợ cấp giữa người tham gia BHTN 12 tháng và 36 tháng là như nhau. Nhiều NLĐ đang lợi dụng chính sách này và nhảy việc, nghỉ việc khi tham gia BHTN vừa đủ 12 tháng để hưởng trợ cấp.
Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh Niên Hà Nội nhận định: “NLĐ thật sự cần có bản lĩnh và suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định thay đổi chỗ làm và nên tập trung tâm huyết, đầu tư học hỏi và ổn định ở một chỗ để tự tạo cơ hội phát triển cho mình. Thay vì mất thời gian, công sức và cả chi phí để “nhảy việc” thì điều mà người lao động , đặc biệt là lao động  phổ thông, cần làm nhất chính là trau dồi kĩ năng và tích lũy kinh nghiệm. Khi đã “chín” một nghề thì sẽ có hiệu quả làm việc cao, thu nhập ổn định, doanh nghiệp coi trọng”.
Cùng với đó thì chính DN cũng cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp, cạnh tranh nhằm giữ chân NLĐ bởi quá trình tuyển dụng luôn tốn nhiều thời gian, công sức và cả chi phí để tìm được lao động phù hợp. Nếu mức lương, thưởng chi trả được những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống; điều kiện ăn ở, sinh hoạt đảm bảo sẽ giúp NLĐ yên tâm làm việc  và tránh được tâm lý “ăn xổi ở thì”, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc TTGTVL Hà Nội đưa ra lời khuyên.