Người khuyết tật thiệt đủ đường

ANTĐ - Là người được nhiều tổ chức, cơ quan mời về làm việc vì có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và khả năng giao tiếp, song đi đến đâu, điều mà chị Nguyễn Thu Hường, ở phường Phạm Đình Hổ, quận Hoàn Kiếm băn khoăn đầu tiên đó là, ở đó có lối đi được xe lăn và có nhà vệ sinh cho người khuyết tật (NKT) hay không. Đó là một điều rất nhỏ, nhưng không thể bỏ qua trong sinh hoạt của những NKT như chị Hường…
 

Nên có những thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật tại các nơi công cộng

(ảnh minh họa)

Người khuyết tật bị bỏ quên

Hiện tại hầu hết các công trình công cộng trên địa bàn Hà Nội như: bệnh viện, trường học, chung cư, công viên, siêu thị, nhà chờ xe buýt… có rất ít những hạng mục hỗ trợ lối đi, cũng như các biển chỉ dẫn dành cho người NKT hoặc nếu có thì lại không đủ chuẩn, chưa tạo thuận lợi cho người sử dụng. Cũng theo chị Hường, mới đây, chị đã nhận lời làm việc tại một văn phòng đào tạo ngoại ngữ quốc tế nhưng chỉ làm bán thời gian trong lúc đợi họ cải tạo các công trình tiếp cận NKT.

Khảo sát một số toà nhà, trung tâm mua sắm chúng tôi nhận thấy hầu như tại đây không có nhà vệ sinh dành cho NKT, còn nhà vệ sinh thông thường lại không có tay vịn hoặc diện tích không đủ rộng nên những người đi xe lăn không thể vào được. Hầu hết các toà nhà, trung tâm mua sắm lớn có lối dẫn lên các tầng bằng cầu thang cuốn nhưng ngay cả những người lành lặn sử dụng cũng còn nguy hiểm nói gì đến NKT.

 Nhiều tòa nhà cao tầng, chung cư mới chưa được các chủ đầu tư quan tâm, xây dựng các hạng mục hỗ trợ NKT. Các khu văn phòng, tòa nhà mặc dù mới được xây dựng nhưng cũng không thấy bóng dáng nhà vệ sinh, lối đi riêng cho NKT. Muốn lên được các tầng cao, nhiều người khiếm thị phải vất vả vượt qua những bậc thang ở tiền sảnh để vào được thang máy. Những người đi xe lăn nếu không có sự trợ giúp của người thân thì đành chịu thua.

Tại các chung cư không có thang máy còn khốn khổ hơn, NKT muốn lên được các tầng trên chỉ còn biết trông chờ vào lòng tốt của những người xung quanh. Nhiều NKT phản ánh họ rất ngại khi được mời tham dự các hội nghị, hội thảo tổ chức tại các tòa nhà cao tầng do phải rất vất vả mới lên được đến nơi, có những hội nghị kéo dài cả ngày khiến nhiều NKT phải bỏ về giữa chừng vì họ không thể tìm được chỗ đi vệ sinh dành cho NKT. Tại các cầu vượt dành cho người đi bộ mới được xây dựng tại Hà Nội, tìm đỏ mắt NKT cũng không thấy nơi nào dành cho mình…

Ngay cả loại dịch vụ thông dụng nhất như xe buýt cũng được xem như một “rào cản” đối với NKT. Chị Nguyễn Tú Hoa, ở phố Nguyễn Lương Bằng cho biết: “Tại các nhà chờ xe buýt, xe buýt không được lắp đặt, thiết kế, trang bị một số tiện ích hỗ trợ NKT. Bên cạnh đó, phong cách phục vụ chưa tốt của nhân viên xe buýt cùng cách hành xử phân biệt của những người thiếu văn hóa khiến nhiều NKT rất tủi thân. Chị Hoa tâm sự: “Rất nhiều lần lên xe trễ, hàng ghế ưu tiên đã có người ngồi. Thấy tôi bước lên, họ giả vờ ngủ. Khi nhân viên xe buýt yêu cầu nhường ghế, họ trả lời đã mua vé nên có quyền ngồi và bỏ mặc NKT phải đứng như bao hành khách lành lặn khác”!

 

Rất hiếm những tòa nhà có lối đi dành riêng cho NKT như thế này

Quy định có cũng như không

Theo quy chuẩn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành năm 2002, các loại công trình phải đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng gồm: công trình y tế, cơ quan hành chính các cấp (trụ sở UBND, tòa án, viện kiểm sát...), các công trình giáo dục, công trình thể thao, công trình văn hóa, công trình dịch vụ công cộng (khách sạn, nhà ga xe lửa, bến xe, bưu điện, trung tâm thương mại, chợ...), nhà chung cư, đường và vỉa hè. TCVN:2009 cũng quy định việc xây dựng đường, hè phố đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng. Khi thiết kế đường và hè phố phải đảm bảo giao thông đường bộ đơn giản, không bị vật cản và đủ rộng cho các xe lăn tránh nhau.

Tại các nút giao thông, các lối vào công trình phải làm đường dốc để NKT tiếp cận công trình. Lối vào và trục đường chính của đường dạo trong công viên, khu vui chơi - giải trí, khu du lịch phải thiết kế để NKT đi lại được và phải có biển báo, biển chỉ dẫn NKT tiếp cận sử dụng. Tại các điểm đỗ xe và điểm chờ xe buýt có tính đến nhu cầu sử dụng của NKT phải bố trí biển báo, biển chỉ dẫn theo quy ước quốc tế. Các công trình được xây dựng trên đường và hè phố dành cho người đi bộ như trạm điện thoại công cộng, trạm rút tiền bằng thẻ tự động, biển quảng cáo, cột điện, cây trồng, các vật treo trên cao không được gây cản trở cho NKT…

Theo quy định, tại các công trình công cộng, bất cứ nơi nào có bậc lên xuống hoặc cầu thang thì bắt buộc phải xây kèm theo một đường dốc cho người đi xe lăn. Lối đi cần sử dụng vật liệu chống trượt, tấm che cống phải thẳng góc với đường đi (tránh gây nạn kẹt bánh xe lăn), có tay vịn, biển báo chỗ nguy hiểm, đủ ánh sáng... Đường dốc dài quá phải bố trí chiếu nghỉ từng đoạn. Nhà cao tầng sử dụng thang máy cần đủ mặt bằng cho người khuyết tật đi xe lăn xoay trở. Mặc dù vậy nhưng điều này ít được các nhà thiết kế, chủ công trình quan tâm, thậm chí cố tình tránh né.

Nguyên nhân là do các chủ đầu tư sợ tốn kém thêm một phần chi phí và diện tích. Mặt khác, cơ quan quản lý xây dựng cũng chưa thật nghiêm túc trong việc thanh tra, giám sát. Ông Nguyễn Văn Dũng - một nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội thừa nhận: “Khi tham gia xây dựng một số hạng mục công trình công cộng chúng tôi không phải không chú ý đến đối tượng sử dụng là khuyết tật và trên thực tế tại một số công trình đã có hạng mục dành riêng cho họ. Tuy vậy, có những nơi trong một thời gian dài không có người khuyết tật nào sử dụng gây lãng phí”.

Luật NKT đã quy định, NKT có quyền được sử dụng các công trình công cộng như những người bình thường khác một cách bình đẳng. Đó là quyền lợi chính đáng họ được hưởng chứ không phải do sự giúp đỡ hay ban ơn của xã hội. Việc NKT chưa được quan tâm đúng mức là do nhận thức của xã hội nói chung về quyền lợi của NKT chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế. Điều này đã khiến họ thêm mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người dân về quyền của NKT, đồng thời, nhà nước nên có chế tài và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về xây dựng công trình tiếp cận NKT của các chủ đầu tư, tránh tình trạng quy định chỉ nằm trên giấy!