Người điều khiển xe ô tô mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu có hợp pháp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Do việc kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn được siết chặt, một số người tham gia giao thông đã mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu kết quả của CSGT . Vậy theo quy định hiện hành, việc làm này có hợp pháp?

Theo Bộ Công an, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó có phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở) để phát hiện vi phạm hành chính được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi và Nghị định 135/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, tại Điều 16 Nghị định 135/2021 cũng nêu rõ, cá nhân, tổ chức có thể cung cấp dữ liệu từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do mình thu được cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt.

Nếu dữ liệu đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Điều 17 Nghị định 135/2021/NĐ-CP thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi và Nghị định 135/2021/NĐ-CP

Việc sử dụng phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi và Nghị định 135/2021/NĐ-CP

Theo đó, Điều 17 quy định như sau:

Về yêu cầu về dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật: Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật;

Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.

Về dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, nếu đáp ứng được yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt theo quy định.

Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp và hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu.

Với những cá nhân vi phạm về nồng độ cồn nhưng cố tình không nộp phạt, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 nêu rõ, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Các biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng gồm khấu trừ một phần lương, thu nhập hoặc tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản hay buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1, Điều 28 của Luật này.

Ngoài các biện pháp trên, người vi phạm còn có thể bị thu tiền chậm nộp phạt nếu tiếp tục cố tình không chấp hành nghĩa vụ nộp phạt.

Về việc tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe, khoản 6, theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành phương tiện, giấy tờ liên quan tang vật hoặc phương tiện giao thông tới khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.