Quảng Ngãi

Người dân khu tái định cư "khát nước"

ANTĐ - Khu tái định cư Phạm Văn Đồng ở tổ 20, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009, với trên 4ha, để cấp đất cho hơn 200 hộ dân bị thu hồi đất làm dự án trường Đại học Phạm Văn Đồng. Thế nhưng, hiện nay hơn 150 hộ gia đình đang sinh sống tại khu tái định cư này đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước sạch sinh hoạt và không có điện thắp sáng công cộng. 

Cỏ mọc đầy công viên khu tái định cư

Sinh sống ở một đô thị loại 3 và chuẩn bị lên đô thị loại 2, nhưng điều kiện sống ở đây lại thiếu thốn trăm bề. Ngay cả nước sạch - một nhu cầu thiết yếu dùng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân cũng không có, điện chiếu sáng ở các tuyến đường nội bộ cũng không.

Sở dĩ có tình trạng này là do khu tái định cư này chưa được cấp nước sạch bằng hệ thống nước máy như đã "hứa" ban đầu, mặc dù người dân đã chuyển đến ở được 4 năm nay. Để "giải cơn khát" người dân phải tự bỏ tiền túi vài triệu đồng đầu tư đào giếng. Đáng nói, người dân ở đây phải đóng giếng từ 3- 5 lần mới tìm được nguồn nước. Nhưng rồi chất lượng nguồn nước không đảm bảo, do bị nhiễm phèn, nên người dân chỉ dùng để rửa, tắm giặt. Một số gia đình có điều kiện kinh tế thì bỏ tiền túi 6 đến 7 triệu đồng để lắp đặt hệ thống bình lọc với nguồn nước lấy từ giếng để sinh hoạt. Anh Lê Tiến - Khu tái định cư Phạn Văn Đồng TP Quảng Ngãi bức xúc: Đến ở từ năm 2009, không có nước sạch, đào giếng nhưng nguồn nước bị nhiễm sắt uống không được, sinh hoạt cuộc sống gia đình rất khó khăn.

Nước bị nhiễm phèn nghiêm trọng

Cũng là một trong những gia đình sống ở khu tái định cư, anh Lê Bo cho hay: Điều trớ trêu là đất nhà anh giếng đào sâu đến hơn 20m nhưng vẫn không có nước để dùng. Anh đành phải đào giếng nhờ ở đất bên cạnh, nhưng nước vẫn bị nhiễm phèn nặng không thể uống được. Đành chấp nhận, anh Bo mua ống dẫn nước rồi làm hệ thống lọc theo kiểu thủ công để có nước sinh hoạt hằng ngày. Còn nấu ăn thì gia đình anh mua nước khoáng bình để nấu. Mỗi ngày gia đình anh tiêu thụ 1 bình nước khoáng, mà giá mỗi bình nước khoáng là 13.000 đồng. 

Người dân phải dùng bộ lọc thủ công để có nước sạch trong sinh hoạt

Còn với những gia đình khó khăn thì chấp nhận dùng nước tự lọc bằng những dụng cụ thủ công thì khó có thể đảm bảo sức khỏe trước mắt cũng như về lâu dài. Chất lượng nguồn nước không những không đảm bảo mà còn khan hiếm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Vì giếng không có nước, nên ở khu tái định cư này phải hùn tiền đào giếng bên phần đất trống rồi từ một giếng nước đó có từ 3 đến 4 hộ dùng chung.

Trước khi chuyển đến đây sinh sống, hầu hết những hộ dân trên đều sống bằng nông nghiệp, có đất lúa và cả đất vườn. Vì sự phát triển của tỉnh, thành phố họ đồng lòng nhường nơi chôn nhau cắt rốn, chuyển đến nơi ở mới với sự cam kết của chính quyền là sẽ có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Thế nhưng, hơn 150 hộ gia đình hiện sống ở khu tái định cư này lại rơi vào cảnh sinh sống trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Không những thế, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng ở đây đã có, nhưng từ khi đưa vào hoạt động thì hệ thống điện chiếu sáng chưa bao giờ được bật. Mặt khác khu công viên cây xanh không được chăm sóc để cây cỏ mọc um tùm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xấu lợi dụng để làm những chuyện phi pháp như tiêm chích ma tuý, cướp giật nên khi đêm xuống người dân ở đây rất ngại đi ra đường.

Người dân phải mua nước để phục vụ sinh hoạt

Trước những khó khăn, phức tạp của cuộc sống ở nơi tái định cư, một số người đành từ bỏ cuộc sống phố phường mà bao đời đã gắn bó để về các xã lận cận thành phố mua đất lập vườn còn lại ít tiền làm vốn sinh sống. Đề nghị UBND TP Quảng Ngãi cần quan tâm, sớm khắc phục những khó khăn, đảm bảo cuộc sống cho nhân dân khu tái định cư này.