Người dân không biết tố giác vi phạm an toàn thực phẩm ở đâu

ANTD.VN - Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần thiết lập đường dây nóng, có cơ chế phù hợp, thuận tiện để kịp thời tiếp nhận, xử lý nghiêm các phản ánh của người dân về mất an toàn thực phẩm.

Sáng nay 5-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.

Đa số các đại biểu (ĐB) đều cho rằng việc kiểm soát ATTP có chuyển biến song còn rất chậm, tình trạng thiếu ATTP đang diễn ra khá phổ biến trên cả nước, vấn đề rất lớn gây bức xúc xã hội.

Nhắc lại những con số về số vụ, số người mắc, người chết vì ngộ độc thực phẩm trong giai đoạn 2011-2016 trong báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho đây chỉ là phần nổi của tảng băng vì còn rất nhiều ca, vụ việc người dân tự xử lý, không được các cơ sở y tế ghi nhận.

Cho rằng nguyên nhân chính là do quản lý nhà nước về ATTP còn nhiều hạn chế, ĐB Nguyễn Hoàng Mai chỉ ra: “Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP còn cắt khúc từ trang trại đến nhà ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý hiệu quả và kết quả là thực phẩm không an toàn, người dân chịu hậu quả. Lực lượng thanh tra liên ngành còn hạn chế về số lượng, chuyên môn”. 

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu

Chia sẻ với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng việc nêu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước còn chung chung. Thực trạng này có trách nhiệm của 3 bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương. Song báo cáo không nêu rõ phạm vi trách nhiệm mỗi bộ đối với các hạn chế này đến đâu, yếu kém mỗi bộ là gì; địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm tốt.

“Nếu không chỉ rõ địa chỉ, không làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương nào chưa làm tốt thì khó cải thiện tình trạng này trong tương lai”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Cho rằng dù cơ quan quản lý có bao nhiêu nhân lực cũng không đủ đông để phát hiện được hết các vấn đề về mất ATTP, đồng thời việc đảm bảo ATTP phụ thuộc rất nhiều vào người dân vì nó gắn liền với họ trong từng bữa ăn hàng ngày, ĐB Nguyễn Mạnh Cường kiến nghị: Cần quan tâm, tạo điều kiện phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về ATTP.

“Việc làm này cần thực chất để người dân dễ phản ánh thông tin nhất. Còn như hiện nay, nếu người tiêu dùng phát hiện vấn đề bất an về thực phẩm ở một cửa hàng, cơ sở nào đó thì họ cũng không biết phải báo ở đâu, thậm chí có biết thì thủ tục rất rườm rà”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường nói.

Từ đó, ĐB Nguyễn Mạnh Cường kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần thiết lập đường dây nóng, có cơ chế phù hợp, thuận tiện để kịp thời tiếp nhận, xử lý nghiêm các phản ánh của người dân, báo chí về mất ATTP, đồng thời có hình thức tôn vinh, khen thưởng với cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin.

ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết cử tri rất bức xúc với ngộ độc rượu hiện nay

Bức xúc với tình trạng ngộ độc rượu giả, rượu kém chất lượng gia tăng cướp đi sinh mạng của nhiều người, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết hiện có tới 80% lượng rượu tiêu thụ hiện nay không được dán tem thuế. 

“Hậu quả là Nhà nước thất thu thuế, nguy hiểm hơn 80% lượng rượu tiêu thụ trong nước không được kiểm soát chất lượng đang ảnh hưởng tới tính mạng người dân, để lại hậu quả lâu dài về giống nòi, trí tuệ người dân Việt Nam. Cử tri yêu cầu chấn chỉnh lại công tác quản lý nhà nước, siết chặt việc thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt và đặc biệt phải duy trì lâu dài chứ không phải chỉ là phong trào. Cử tri còn đề nghị Quốc hội sửa luật ATTP, nâng mức xử phạt và truy tố hình sự với đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu gây hiệu quả nghiêm trọng”, ĐB Dương Minh Ánh nói.