167 vụ, 27 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm

ANTD.VN -Tình trạng vi phạm quy định về  an toàn thực phẩm (ATTP) khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra nghiêm trọng ở một số địa phương.  

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 của Đoàn giám sát – Quốc hội khóa XIV, từ tháng 11/2016 – tháng 4/2017, Đoàn đã làm việc với 21/63 tỉnh,thành phố, khảo sát 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh.  Kết quả cho thấy, việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP đã được triển khai tương đối đồng bộ và quyết liệt, nghiêm minh hơn trước.

Thực phẩm bẩn xuất hiện ở nhiều địa phương khiến người dân bất an

Tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu đồng  lên 3,73 triệu đồng.  Đặc biệt, về xử lý hình sự, từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân đã khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP. TAND đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP, xét xử 313 vụ.

Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do NĐTP/năm. Giai đoạn 2011 – 2016, đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm với 123 người chết.  Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Trong khi đó, công tác quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm 97%, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe.Việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế, số lượng cơ sở thực phẩm được kiểm soát đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ còn thấp, hiện chỉ chiếm 33,6% trong tổng 408.821 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Có thể nói, tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai chưa bảo đảm vệ sinh, chất lượng nguồn nước chưa được kiểm soát tốt.

Đa phần các cơ sở nấu rượu thủ công, dụng cụ thô sơ không bảo đảm ATTP, tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn tràn lan tại nhiều địa phương gây ngộ thực phẩm cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng. ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ.