Người đan ghế mây tặng Bác Hồ

ANTĐ - Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Minh (Ngọc Động - Hoàng Đông - Duy Tiên - Hà Nam), người đã trên 50 năm cặm cụi với nghề mây tre đan. Trải qua bao thăng trầm sóng gió với nghề, ít ai biết được rằng chính ông là người đã làm chiếc ghế mây tặng Bác Hồ năm 1956. 

16 tuổi làm ghế tặng Bác Hồ

Nhà ông Minh nằm trong một con ngõ nhỏ cách QL1A khoảng 2km. Bên chén trà xanh nghi ngút khói quyện với mùi thơm của những nhánh mây khô, ông bắt đầu câu chuyện của nghề.

Vào nghề khi mới 14 tuổi, tổ sản xuất nghề mây làng Ngọc Động được hình thành và đến năm 1956, khi 16 tuổi ông cùng mọi người làm biếu Bác Hồ một chiếc ghế chao bằng mây mà Bác vẫn hay sử dụng. Chiếc ghế ấy, ông và cả tổ hợp tâm huyết nhiều lắm, suy nghĩ làm sao phải làm được một chiếc ghế vừa mềm vừa êm để Bác ngồi làm việc, đọc sách và tiếp khách. Ông còn thiết kế thêm phần gác tay để Bác ngồi cho đỡ mỏi.

Để làm được chiếc ghế đó, tổ hợp của ông bắt đầu họp bàn, cử người lên rừng chọn nguyên liệu. Từ những thanh mây mang ở rừng về trải qua các công đoạn: phơi, sấy khô, hơ nóng - uốn… mới lắp ráp thành chiếc ghế với kiểu dáng vừa trang nhã, chắc khoẻ, có thể sử dụng ngoài trời nhiều năm liền mà không hỏng. 

Nhắc đến chiếc ghế mây Bác Hồ sử dụng, ông Minh không giấu được niềm tự hào xen lẫn hạnh phúc, lòng biết ơn vô tận đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. “Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian viết giấy động viên dân làng Ngọc Động trong việc phát triển làng nghề sản xuất hiệu quả” - Ông Minh nói trong xúc động. Sau này ông còn làm một bộ ghế mây tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.


Đến ông “tướng” làng nghề

Đó là biệt danh mà người dân làng nghề Ngọc Động tôn trọng gọi ông Minh như vậy, bởi từ khi vào nghề ông đã là một tay cự phách trong tất cả các khâu từ chọn nguyên liệu đến thiết kế và thực hiện các công đoạn làm mây giang đan. Anh Trần Văn Đỗ - chủ một cơ sở song mây có tiếng bày tỏ: “Ông Minh là bậc thầy trong nghề đan mây, từ chiếc ghế ông làm tặng Bác Hồ đến những sản phẩm dân làng Ngọc Động sản xuất hiện nay đều mang đậm dấu ấn của ông “tướng” làng nghề”.

Ngay từ thời bao cấp, ông Minh đã ra sức phát triển nghề, song giang đan bằng cách mày mò tìm hiểu nghiên cứu thực tế thị trường trong những năm đất nước còn nhiều khó khăn. Những nỗ lực ấy được đền đáp khi sản phẩm làng Ngọc Động làm ra đều được các nước phe XHCN nhập khẩu với giá khá cao. Ông được dân làng tín nhiệm bầu giữ chức chủ nhiệm HTX Thống nhất kiêm Bí thư Đảng uỷ xã từ năm 1979. 

Hơn 10 năm công tác trong HTX, năm 1991, ông về nghỉ hưu đúng vào thời kỳ khó khăn do đầu ra sản phẩm tắc nghẽn, người dân trong làng đã tính bỏ nghề. Từ thực tế trên, ông Minh quyết tâm mày mò tìm cách cứu nghề. Ông khăn gói lên Hà Nội tìm mua các sản phẩm mây hiện có trên thị trường để nghiên cứu cách làm. Và từ đồ khay, đĩa, bát bằng mây, giang, ông đem về tháo dỡ ra học cách làm, sau đó dạy cho người khác. Chuyến hàng đầu tiên, ông Minh giao cho một công ty ở Từ Sơn (Bắc Ninh), hàng bát đĩa hỏng tới 80%. Thất vọng, nhưng ông vẫn quyết tâm động viên bà con làm lại, rút kinh nghiệm và bước đầu đã gặt hái được những thành công. Từ đó, ông Minh quyết định làm cả hàng mây giang đan lẫn song mây, vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu. Năm 1989, ông có vinh dự được mời đi tu sửa ghế mây ở nhà sàn Bác Hồ để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác vào năm sau.

Hiện tại, ông Minh vẫn tiếp tục vừa làm vừa dạy nghề cho tất cả những ai có nhu cầu. Nhiều người được ông truyền nghề đã trở thành thợ giỏi hoặc những thương nhân giàu có. Nhiều mẫu mã đồ mây trên thị trường hiện nay là do ông Minh thiết kế. Trong đó, sản phẩm được thị trường ưa chuộng nhất là cây đèn có dáng cô gái Việt Nam, mẫu mà ông mất rất nhiều công sức mày mò thiết kế và chế tạo. 

Ở tuổi ngoài 70, quỹ thời gian dành cho công việc mà mình yêu thích đang bị thu hẹp, nhưng hiện tại nghệ nhân Nguyễn Văn Minh vẫn đang miệt mài với nghề mây giang đan xuất khẩu góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá Việt.