Người dân được lợi gì từ bản Hiến pháp sửa đổi?

ANTĐ - Trả lời câu hỏi này, ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho biết: “Người làm Hiến pháp chính là nhân dân nên lợi ích chính là hướng tới nhân dân. 

Vai trò làm chủ của người dân thể hiện rất cụ thể. Trách nhiệm hay cam kết của Nhà nước đối với người dân là phải thừa nhận, tôn trọng những quyền chính đáng, cơ bản của người dân. Lần này, các quyền được quy định rõ và quyền đó được thực hiện như thế nào. Có thể nói, vai trò, vị trí quyền lực của người dân đã được đề cao trong Hiến pháp. Mỗi người đã ý thức rõ ràng Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nhất. Những quyền cơ bản của công dân đã được quy định cụ thể, rõ ràng, có những điều khoản được áp dụng thực tiễn. 

Sau khi Hiến pháp được thông qua, từ 1-1-2014, Quốc hội, các cơ quan Nhà nước khác phải bắt tay ngay vào cụ thể hóa các nội dung bằng các luật cụ thể để người dân có thể thực hiện được quyền Hiến pháp quy định. 

Con người là trung tâm của sự phát triển. Khi thừa nhận trong Hiến pháp, nhân dân là chủ thể quyền lực của Nhà nước, trong đó có quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh hay mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh... sẽ tạo điều kiện để phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng đất nước”.