Người dân cảnh giác, tránh sập bẫy tội phạm khi nghe cuộc điện thoại lạ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với chiêu trò không mới, thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cán bộ cơ quan thực thi pháp luật để dọa nạt, nhằm cưỡng đoạt tiền của những người nhẹ dạ vẫn diễn ra, nhất là dịp áp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 
Công an tuyên truyền, khuyến cáo người dân phòng ngừa tội phạm giả danh cơ quan Nhà nước chiếm đoạt tài sản

Công an tuyên truyền, khuyến cáo người dân phòng ngừa tội phạm giả danh cơ quan Nhà nước chiếm đoạt tài sản

Cú điện thoại mất tiền tỷ

Những ngày qua, nhiều người dân phản ánh đến 'Đường dây nóng' An ninh Thủ đô bị mất tiền sau khi nhận cú điện thoại của người lạ giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước... Đặc biệt, nạn nhân phần lớn rơi vào phụ nữ và người cao tuổi, hạn chế hiểu biết về xã hội. Điển hình ngày 18-8, Công an phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của bà Q (57 tuổi), về việc nhận được một cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cán Bộ Công an.

Đối tượng thông báo bà Q liên quan đến một vụ án và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra... Sau khi chuyển 2 tỉ đồng vào tài khoản của đối tượng cung cấp, bà Q mới biết bị lừa đã đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, ngày 12.8, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị P (42 tuổi), về việc nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán Bộ Công an.

Đối tượng thông báo chị P liên quan đến 1 vụ án và yêu cầu tải ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” để phục vụ điều tra. Sau khi đăng nhập tài khoản làm theo hướng dẫn, chị P phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất gần 2 tỉ đồng...

Trên đây là những vụ việc cụ thể, trong số hàng nghìn vụ lừa đảo dưới dạng gọi điện, nhắn tin giả mạo cán bộ cơ quan thực thi pháp luật, mà nhiều người dân “dính bẫy”. Điều đáng nói, ngay cả những người không liên quan và cũng chưa từng có người thân dính líu đến hoạt động tội phạm như 'đầu dây bên kia' đe dọa, nhưng vẫn thiếu bình tĩnh không xác minh lại mà làm ngay theo hướng dẫn của tội phạm. Từ đó dẫn đến tình trạng mất tiền rồi mới biết mắc lừa và trình báo công an.

Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa đấu tranh, triệt phá thành công chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội (Facebook)

Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa đấu tranh, triệt phá thành công chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội (Facebook)

Theo chỉ huy phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội: “Tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau; có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trước thực trạng đó, Bộ Công an nói chung, Công an Hà Nội nói riêng đã và đang tập trung triệt phá các đường dây tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống mạng để hạn chế tối đa những vụ án người dân bị tội phạm lợi dụng chiếm đoạt tài sản”.

Nhận diện tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông

Trước thủ đoạn giả danh cán bộ làm việc trong các cơ quan thực thi pháp luật, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố chủ động nhiều biện pháp phòng ngừa, triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh đảm bảo an nhinh, an toàn cho người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, CATP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh và đưa ra những cảnh báo, nhận diện hoạt động tội phạm dạng này như: Sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện thoại cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền, hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng.

Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để 'cơ quan chức năng' thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của tội phạm với vỏ bọc để xác minh...

Qua điều tra, xác minh, cơ quan công an được biết các nạn nhân chủ yếu là người thiếu ý thức cảnh giác, ít thông tin về tình hình xã hội, tội phạm và các hoạt động tố tụng hình sự. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo ngay với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Cơ quan Công an khuyến cáo, khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan Tư pháp, tiến hành tố tụng để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân phòng ngừa, tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng, tin nhắn, điện thoại

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân phòng ngừa, tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng, tin nhắn, điện thoại

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết, hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài, cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.

Thường xuyên thay đổi mật khẩu, hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội.

Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời thông báo cho công an nơi gần nhất, hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của 'Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an' (địa chỉ http://bocongan.gov.vn, http://mps.gov.vn hoặc https://congan.hanoi.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.