Rộ lên thủ đoạn ‘SMS brandname’ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cứ vào dịp cuối năm, tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) lại có chiều hướng phức tạp và người dân cần hết sức cảnh giác với các loại tin nhắn như thế.

Không có đơn hàng, vẫn nhận tin nhắn của của đơn vị vận chuyển

Chị Nguyễn Mai Hương, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội thông tin, chị không hề tham gia Bảo hiểm MIC nhưng bất ngờ nhận được tin nhắn có thương thiệu BaoHiemMic, thông báo hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của mình đã được phát hành - “Ho so yeu cau bao hiem cua Quy Khach Hang da phat hanh so GCN 22122690381. Vui long truy cap https://emic.vn?p=22122690381 de tra cuu. Tran trong cam on !”. Nghi ngờ đây là tin nhắn giả mạo, chị Hương đã không bấm vào đường link nói trên.

Không tham gia bảo hiểm, nhưng chị Hương vẫn nhận được thông báo hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của mình đã được phát hành

Không tham gia bảo hiểm, nhưng chị Hương vẫn nhận được thông báo hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của mình đã được phát hành

Là một người rất hay mua hàng online, anh Phạm Quang Nam, ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội rất hay nhận được tin nhắn thông báo của đơn vị vận chuyển trước khi giao hàng. Nhưng ngày 25-12 vừa qua, anh khẳng định mình không đặt hàng online nhưng vẫn nhận được tin nhắn của một đơn vị vận chuyển thông báo đơn hàng sẽ được giao trước 24h.Liền ngay sau đó, ngày 26-12, anh Nam nhận được tin nhắn báo đã giao hàng thành công. “Don hang 1683869204945 da giao thanh cong. Quy khach vui long danh gia thai do nhan vien giao hang qua link: http://yk.vtp.vn/s/5WD87m8Rmkebydz7IzrQlg”. Bất ngờ về việc mình không hề nhận hàng mà lại có đường link đánh giá thái độ nhân viên, điều chưa từng có ở đơn vị vận chuyển này. Khi anh chuyển tin nhắn SMS sang tin nhắn Zalo, đường link của đơn vị vận chuyển không hiện lên và anh biết chắc chắn đây là đường link giả mạo.

Đường link kỳ bí trong tin nhắn của một thương hiệu vận chuyển

Đường link kỳ bí trong tin nhắn của một thương hiệu vận chuyển

Mới đây, Bộ Công an cũng đã đưa ra cảnh báo đề nghị người dân cảnh giác trước các tin nhắn giả mạo trang web của ngân hàng, mạng xã hội để người dùng đăng nhập rồi chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản.

Theo nội dung cảnh báo, thủ đoạn tội phạm giả mạo các trang web, ứng dụng của các tổ chức, tài khoản của các cá nhân (ngân hàng, mạng xã hội...) gửi các đường link để người dân đăng nhập nhằm chiếm quyền điều khiển, kiểm soát tài khoản.

Sau đó, các đối tượng sẽ nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại, hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại bằng nhiều thủ đoạn khác nhau để nhận mã xác minh tài khoản, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo của cơ quan công an

Thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho thấy, từ tháng 9-2022 đến nay, tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng…, người dân thường xuyên nhận được tin nhắn giả mạo của các ngân hàng thương mại (tin nhắn SMS Brandname) với nội dung: “Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ tài chính toàn cầu có mức phí sử dụng từ 3 - 6 triệu đồng, nếu muốn hủy thì truy cập vào đường dẫn https://vietinbank.com.vn-vp.top hoặc https://vpbank.com.vn-vb.top...”.

Thực chất đây là tin nhắn giả mạo ngân hàng mà các đối tượng lừa đảo tạo lập ra để dẫn dụ người dùng truy cập vào nhằm đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản.

Tang vật đối tượng Chen Jiong sử dụng để phát tán tin nhắn giả mạo thương hiệu

Tang vật đối tượng Chen Jiong sử dụng để phát tán tin nhắn giả mạo thương hiệu

Bộ Công an xác định đây là đường dây tội phạm có tính chất chuyên nghiệp xuyên quốc gia, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, cấu kết chặt chẽ với các đối tượng trong nước thực hiện.

Các đối tượng này sử dụng thiết bị công nghệ cao được sản xuất ở nước ngoài để thiết lập giả trạm thu, phát sóng di động của các doanh nghiệp viễn thông, thu thập thông tin thuê bao di động và thông tin thiết bị để thực hiện phát tán các tin nhắn mạo danh ngân hàng, nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trung bình mỗi ngày, các đối tượng thực hiện phát tán thành công từ 40.000 đến 80.000 tin nhắn/ 1 bộ thiết bị. Các bộ thiết bị mà đối tượng sử dụng có thể tùy chỉnh giả mạo đầu số tin nhắn của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Đầu năm 2022, Cơ quan An ninh điều tra, CATP Hà Nội đã bắt giữ Chen Jiong người Trung Quốc thực hiện thủ đoạn này tại Việt Nam.

Tại cơ quan Công an, Chen Jiong khai nhận bằng việc sử dụng thiết bị giả trạm BTS, mỗi ngày đối tượng đã phát tán khoảng 60.000 đến 70.000 tin nhắn thành công tới người dùng. Các thiết bị di động trong phạm vi phủ sóng của BTS giả này ban đầu sẽ có hiện tượng mất tín hiệu, sau đó chuyển về chế độ 2G và có thể tiếp tục sử dụng để nghe, gọi, nhắn tin (nhưng tốc độ chậm hơn bình thường do phải đi qua trạm giả trung gian mới kết nối tới trạm BTS thật của các nhà mạng viễn thông).

Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội nhìn nhận, vào thời điểm cuối năm, thủ đoạn lừa đảo này lại có dấu hiệu gia tăng. Các đối tượng người Việt Nam, sử dụng phần mềm của nước ngoài có thể gửi đồng loạt hàng nghìn người.

Để chủ động phòng ngừa với loại tội phạm này, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng để phát hiện các tin nhắn giả mạo ngân hàng, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.

Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các thương hiệu mình nhận để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn, phản ánh các tin nhắn giả mạo tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

“Tuyệt đối không đăng nhập vào các website, đường link lạ khi chưa xác thực, chú ý các cảnh báo độc hại do các trình duyệt thông báo. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai. Không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng” - chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị.