Người chiến sỹ Cảnh sát cơ động Hà Nội luôn tâm huyết với những chuyện tử tế

ANTD.VN - Là thủ lĩnh đoàn ở đơn vị đông quân số, phần lớn là chiến sỹ trẻ, ngoài việc thường xuyên Tổ chức cho hàng trăm lượt đoàn viên tham quan quan học tập truyền thống, Trung úy Lê Văn Ba (người vừa được Bộ Tư lệnh CSCĐ tuyên dương là 1 trong 20 gương Thanh niên CSCĐ tiêu biểu toàn quốc) luôn hướng đến các hoạt động thiết thực vì cộng đồng...

Người chiến sỹ Cảnh sát cơ động Hà Nội luôn tâm huyết với những chuyện tử tế ảnh 1

Trung úy Lê Văn Ba nhận chứng nhận và biểu trưng “Gương Thanh niên CSCĐ tiêu biểu” do Tư lệnh CSCĐ trao tối 23-3-2019

Từ hành lang bệnh viện đến rẻo đất vùng cao...

Cứ mỗi cuối tuần, Trung úy Lê Văn Ba, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn CSCĐ CATP Hà Nội lại tất bật cùng những nhà hảo tâm đi chợ, chuẩn bị cho những phần cháo, xôi ngon nhất cho bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnhvkhó khăn ở Bệnh viện K Hà Nội.

Từ 2017 đến nay, hình ảnh những chiến sỹ CSCĐ tươi cười phát từng phần ăn đến tay bệnh nhân đã trở nên quen thuộc với những con người không may mắn.

Anh Nguyễn Văn H, chăm người nhà nằm điều trị tại Bệnh viện K ở Quán Sứ đã mấy tháng nay. Cũng chừng ấy thời gian, đều đặn mỗi ngày cuối tuần, anh và mẹ nhận những suất cháo, xôi và sữa từ thiện do Trung úy Lê Văn Ba những nhà hảo tâm mang tới.

Gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên những bữa ăn từ thiện càng thêm ý nghĩa với mẹ con anh H. Nhận suất cơm còn nóng hổi từ các chiến sĩ Công an ở hành lang bệnh viện, anh H xúc động bày tỏ lòng cảm ơn tới các nhà hảo tâm, các chiến sĩ công an...

Trung úy Lê Văn Ba chia sẻ, việc làm của mình là hết sức bình thường, việc mà ai cũng sẽ làm để chia sẻ phần nào những khó khăn với những con người đang vất vả chiến đấu với bệnh tật.

Mỗi lần nhìn thấy nụ cười, hay niềm vui của các bệnh nhân, vất vả của anh và các nhà hảo tâm đều tan biến và đâu thể so sánh được. Theo Trung úy Ba: "Đó là việc bình dị, chuyện tử tế hàng ngày đâu cũng có".

“Trong một lần vào Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, được nghe tâm sự của các chị em đang điều trị ở đây rằng có người cả đời chưa từng được mặc áo dài một lần do phải tiết kiệm từng đồng dành để lọc máu. Tôi cùng nhóm Chia sẻ yêu thương đã vận động và tặng các nữ bệnh nhân 150 chiếc áo dài truyền thống. Nhìn các chị vui vẻ, tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa”, Trung úy Lê Văn Ba chia sẻ.

Không chỉ thường xuyên có những hoạt động thiện nguyện ở Hà Nội, người Bí thư Đoàn của đơn vị chiến đấu bận rộn bậc nhất CATP còn thường xuyên vận động, tổ chức những chuyến đi tình nghĩa đến với vùng biên, những rẻo đất vùng cao...

Hành trang trở về với anh là những đôi mắt lấp lánh niềm vui, những tiếng cười trong trẻo của các em nhỏ... Với các em học sinh nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, ở bản làng heo hút, chiếc xe đạp, bộ đồng phục tinh tươm... vô cùng đáng quý.

Trung úy Lê Văn Ba với em nhỏ vùng cao biên giới tỉnh Lào Cai trong một lần đi từ thiện

Mong muốn về quỹ thoát nghèo tự vận hành

Trung úy Lê Văn Ba tâm sự, vẫn luôn suy nghĩ về nhiều khó khăn của cuộc sống hôm nay... “Với tôi, sẻ chia không phải chỉ bằng những món quà tặng hay học bổng hôm nay mà cần hơn là những hướng dẫn khởi nghiệp, là công ăn việc làm sau này khi các em ra trường. Tôi đang ấp ủ để vận động và thành lập Quỹ hỗ trợ cho các em học sinh”, Trung úy Lê Văn Ba nói.

Nói về dự định lớn này, Trung úy Lê Văn Ba cho hay, Thành đoàn Hà Nội hay Trung ương Đoàn đều có những người thầy rất giỏi có thể giúp đỡ các em học sinh được đào tạo nghề, hướng dẫn khởi nghiệp.

Quỹ hỗ trợ mà Trung úy Ba định xây dựng sẽ có khả năng tự vận hành, có thể cho các em học sinh vay tiền không lấy lãi. Ai muốn vay tiền thì sẽ chọn học nghề hoặc các lĩnh vực thế mạnh để khởi nghiệp.

Cứ mỗi nhóm 3 đến 5 em cùng quê hoặc vùng miền sẽ được có được khoản tiền để đầu tư cho tương lai. Đó có thể là số vốn để đầu tư cho mô hình Vườn – ao – chuồng công nghệ cao, hoặc để khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh nhỏ.

Mỗi một mô hình thành công, những người vừa thành công dẫn dắt cho các bạn tiếp theo... “Tôi cũng sinh và và trưởng thành từ một vùng quê nghèo. Hơn ai hết, chính các em học sinh nghèo luôn muốn thoát nghèo nhất. Các em thừa nỗ lực và quyết tâm, chỉ có điều chưa được hỗ trợ đúng cách”, Trung úy Lê Văn Ba nói.

Bước đầu là thế, chắc chắn còn rất vất vả để có được những đồng tiền đầu tiên cho quỹ, Trung úy Lê Văn Ba biết rằng, không có gì là dễ dàng.

Nhưng theo Trung úy Ba, kiên định với niềm tin của mình đã là hoàn thành 1/3 công việc. Tạm biệt chúng tôi trong ngày cuối tuần bận rộn, Trung úy Lê Văn Ba lại tất bật chuẩn bị cho bữa ăn tình nghĩa cuối tuần cho các bệnh nhân...