Người ăn không hết…

ANTĐ - Trong khi nhiều người Anh bỏ phí hàng triệu tấn thực phẩm mỗi năm thì rất nhiều người Anh khác nói riêng và hàng tỷ người trên thế giới nói chung vẫn đang thiếu đói triền miên.

Một cửa hàng thực phẩm với khẩu hiệu kêu gọi tiết kiệm thực phẩm và chống lãng phí

Chương trình Hành động về tài nguyên và rác thải (WRAP) của Chính phủ Anh ngày 7-11 công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy, mỗi năm người dân nước này lãng phí 4,2 triệu tấn thực phẩm và đồ uống. Theo đó, dù lượng thực phẩm và đồ uống bị bỏ đi tại Anh kể từ năm 2007 đã giảm 21% và tiết kiệm cho người tiêu dùng nước này 13 tỷ bảng mỗi năm song lượng thực phẩm “đi thẳng” từ tủ lạnh ra thùng rác vẫn ở mức quá cao với trị giá 12,5 tỷ bảng (khoảng 20 tỷ USD). 

Nghiên cứu tính toán trung bình mỗi gia đình Anh lãng phí 60 bảng mỗi tháng cho số thực phẩm bị bỏ đi, chiếm tới 20% khối lượng thực phẩm mua về, mà trong đó 60% vẫn còn có thể sử dụng được. Ba mặt hàng bị đổ bỏ nhiều nhất là bánh mì, cà chua và sữa. 

Tính ra các hộ gia đình ở Anh đã vứt bỏ tương đương 24 triệu lát bánh mì, 5,8 triệu củ khoai tây và 5,9 triệu ly sữa mỗi ngày. Ước tính, gần 700 triệu bảng tiền bánh mì đã bị lãng phí mỗi năm cùng với số ngũ cốc và hoa quả trái cây trị giá lần lượt 230 triệu bảng và 150 triệu bảng cũng bị “ném vào thùng rác”.

Không nằm trong 3 mặt hàng bị lãng phí nhất song mỗi năm người Anh cũng vứt bỏ tới 96 triệu co gà mặc dù đây là món thịt được ưa thích tại đảo quốc sương mù này. Là một trong 10 mặt hàng bị lãng phí nhất, số lượng rau diếp và rau xà lách đóng gói bị vứt bỏ hàng năm cũng có trị giá tới 370 triệu bảng.

Rất nhiều hoa quả rau chưa dùng bị vứt xuống một nơi chứa rác ở London

Nghiên cứu của WRAP đã nêu ra một số nguyên nhân khiến sự lãng phí dẫn tới lượng rác thải thực phẩm cao ở Anh, trong đó có thói quen của người tiêu dùng Anh mua sắm nhiều hơn nhu cầu cần thiết, sự thiếu quan tâm và hiểu biết của người tiêu dùng về chỉ dẫn sử dụng in trên bao bì sản phẩm cũng như cách thức bảo quản thực phẩm. Chỉ tính riêng các sản phẩm đóng hộp, rau quả, trái cây tươi, mỗi năm nước này vứt đi tới 1 tỷ bảng, dù những thực phẩm này hoàn toàn vẫn có thể ăn được bình thường. Thói quen mua rồi vứt của người tiêu dùng Anh khiến cho từ 30 - 50% thực phẩm bị vứt bỏ sau khi được mua về từ các siêu thị và cửa hàng bán lẻ.

Trong khi lượng thực phẩm bị lãng phí, bỏ đi ở Anh lên tới hàng chục tỷ bảng mỗi năm thì rất nhiều người dân nước này cũng đang phải sống trong cảnh phải nhận trợ cấp, trong đó có trợ cấp lương thực. Do chịu khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao, hiện ở Anh có 350.000 người phụ thuộc vào hệ thống cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí cho người nghèo, do tổ chức từ thiện Trussell Trust thành lập.

Trước nghịch lý thực phẩm tại Anh, Tiến sĩ Liz Goodwin, Giám đốc điều hành WRAP, kiến nghị chính phủ, các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ và người tiêu dùng cùng hợp sức để thực hiện mục tiêu cắt giảm thêm 1,7 triệu tấn rác thải thực phẩm mỗi năm từ nay tới năm 2025 nhằm tiết kiệm 45 tỷ bảng.