Mô hình “Phòng tiến hóa sinh giới” của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam
có tích hợp phòng chiếu phim 3D
Lần đầu ứng dụng bảo tàng 3D
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là bảo tàng đầu tiên trên cả nước xây dựng mô hình bảo tàng 3D tương tác. Trong đó, “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam” là hai chuyên đề đầu tiên được thí nghiệm số hóa 3D. Kỹ thuật 3D đã tái hiện một cách chân thực toàn bộ không gian kiến trúc như sàn nhà, trần nhà, tường, mái vòm, nội thất… cùng gần 150 hiện vật cho phép người xem chỉ cần một vài thao tác trên màn hình vi tính cũng có cảm giác như bước chân trong bảo tàng thật. Ví dụ, khi truy cập vào website của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, người xem có thể “đi” từ sảnh rồi vào lần lượt các gian trưng bày được sắp xếp theo trình tự thời gian như Di sản văn hóa Phật giáo 10 thế kỷ đầu Công nguyên, thời Lý - Trần, thời Lê sơ - Mạc, thời Lê Trung Hưng - Tây Sơn…
Ở mỗi gian trưng bày, khách tham quan có thể “xoay” hiện vật để được quan sát tỉ mỉ từng chi tiết trong hình ảnh đa chiều. Cùng với đó là toàn bộ thông tin về hiện vật như nguồn gốc, niên đại, chất liệu, kích thước… Để được cung cấp thêm những thông tin cần thiết, du khách được lựa chọn hướng dẫn viên du lịch ảo, bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài ra, bảo tàng ảo còn cho phép người sử dụng chia sẻ qua một số mạng xã hội nhằm kết nối, giới thiệu tới những người yêu thích loại hình bảo tàng này trên khắp thế giới.
Theo T.S Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, việc xây dựng bảo tàng tương tác 3D cho phép mọi người được chứng kiến tận mắt các hiện vật, nhất là khi một số chuyên đề chỉ được trưng bày tại bảo tàng thực trong một thời gian ngắn. Ngoài những chuyên đề hiện có, Bảo tàng sẽ tiếp tục triển khai, hoàn thiện và hướng tới dự án tổng thể về bảo tàng công nghệ 3D, đưa lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam đến gần công chúng.
Thay đổi cách tiếp cận
Trên thực tế, việc sử dụng công nghệ tương tác 3D đã được nhiều bảo tàng lớn trên thế giới như Mỹ, Pháp, Italia... thực hiện từ năm 2008. Với ưu điểm có thể mô hình hóa bất cứ hình ảnh nhìn thấy được trong không gian thật, cho người xem cảm nhận chân thực nhất về thực thể, ảnh sáng, màu sắc, âm thanh…, công nghệ này được kỳ vọng sẽ tạo thay đổi rõ rệt cách tiếp cận có phần đơn điệu và thụ động trước đây. Mặc dù đã có ý kiến cho rằng, việc mở ra bảo tàng ảo có thể khiến du khách “ngại” đến với bảo tàng thật, nhưng không thể phủ định đây đang là xu hướng mới trong phát triển bảo tàng ở Việt Nam.
Bước đầu, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam… cũng đang bắt tay xây dựng dự án này. PGS.TS Lưu Đàm Cư - Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - nơi hiện đang lưu giữ hơn 40.000 mẫu động, thực vật của cả nước cho biết, Bảo tàng đang gấp rút hoàn thiện đề cương xây dựng “Phòng trưng bày tiến hóa sinh giới trực tuyến” để phục vụ nhu cầu khách tham quan. Tại đây, người xem sẽ được trải nghiệm một thế giới sống động, với những mẫu vật đa dạng, phong phú mô tả các thời kỳ của Trái đất, trong đó có nguồn gốc, lịch sử cũng như sự sống thời hiện đại.
Theo kế hoạch, dự án này sẽ được triển khai trong hai năm, bắt đầu từ đầu năm 2014 và kết thúc vào tháng 12-2015. Song song với dự án trên, để thúc đẩy việc tham quan của du khách, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng đưa vào hoạt động đồng thời phòng chiếu phim 3D. Nội dung các thước phim được chiếu tại đây cũng sẽ xoay quanh về sinh vật và môi trường, trong đó, nổi bật là bản chất khoa học của sinh giới, giá trị tự nhiên của Việt Nam cũng như trên thế giới. Các thước phim này cũng có tác dụng cung cấp kiến thức, giáo dục ý thức và tình yêu thiên nhiên đối với những đối tượng trẻ khi đến với bảo tàng.
Cũng theo PGS.TS Lưu Đàm Cư, việc thiết lập bảo tàng tương tác 3D sẽ không làm người xem “xa rời” bảo tàng thật. Những tiếp cận bảo tàng tương tác 3D mới chỉ là một phần của bảo tàng thật, và chưa thể thay thế chức năng của bảo tàng đó. Thông qua bảo tàng ảo, người xem có hứng thú với những mẫu vật được trưng bày và sẽ đến tận nơi để được xem trực tiếp, đồng thời tạo điều kiện tốt hơn cho những người có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu sâu.