Ngôi nhà lịch sử và những ký ức về Bác

ANTD.VN - Làng Vạn Phúc không chỉ nổi tiếng với hệ thống di tích như đền, chùa, miếu, là nơi lưu giữ nghề dệt lụa truyền thống, mà còn là một làng quê cách mạng, được mệnh danh là “An toàn khu” của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong những ngày cuối năm, chúng tôi đã có dịp thăm lại di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội - nơi Bác đã viết “lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào đêm 19-12-1946. 

Ngôi nhà lịch sử và những ký ức về Bác ảnh 1Bà Nguyễn Thị Hà vẫn còn nhớ những kỷ niệm cha mình kể về Bác Hồ

“Chúng tôi không ngỡ đó là Bác”

Đã 70 năm trôi qua, nhưng với bà Nguyễn Thị Hà - con gái của cụ Nguyễn Văn Dương, chủ nhân ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong giai đoạn cuối năm 1946 tại xóm Đoàn Kết, làng Vạn Phúc, Hà Đông, những kỷ niệm và câu chuyện về Bác vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ. “Cha tôi nói rằng, cụ (Bác Hồ) đi làm rất sớm và chỉ trở về khi đã rất muộn. Hai anh trai tôi bỏ quên đồ trên gác, khi lên có hôm gặp cụ ban ngày ở nhà. Cụ mặc quần nâu, áo nâu, suy tư lắm, cứ đi từ đầu nhà bên này sang nhà bên kia. Anh tôi có chào thì cụ gật đầu, nhưng anh tôi cũng không nghĩ là Bác Hồ, chỉ nghĩ là cán bộ cao cấp” - bà Nguyễn Thị Hà nhớ lại. 

Cũng theo lời bà Hà, đến hôm gần đi, Bác Hồ có gọi cha bà lên nói, đại ý là trước phải giữ bí mật nên không nói cho gia đình biết, nay phải đi xa, Bác cảm ơn gia đình đã bố trí cho Bác và những người đồng chí có nơi ăn chốn ở. Sau buổi gặp ấy, cụ Nguyễn Văn Dương rất xúc động, rằng không ngờ Chủ tịch nước lại giản dị đến thế. “Hôm Bác rời đi, chúng tôi vẫn không biết đó là Bác Hồ nhưng bố mẹ tôi thì biết, nên chạy theo. Còn mấy chị em chúng tôi cũng ùa ra, nhưng vẫn nghĩ là các bác cán bộ đến chơi với mình, nay phải đi nên trong lòng thấy nuối tiếc” - bà Nguyễn Thị Hà bồi hồi nhớ lại.

Ngôi nhà lịch sử và những ký ức về Bác ảnh 2Những hình ảnh, tư liệu lịch sử tại gian trưng bày 

Gia đình cụ Nguyễn Văn Dương vốn là một gia đình sống bằng nghề dệt lụa, có truyền thống và có tinh thần yêu nước từ rất sớm. Vào thời kỳ Mặt trận bình dân, gia đình cụ là một trong vài cơ sở đầu tiên ở Vạn Phúc nhận sách báo tiến bộ từ Hà Nội đưa vào. Hai người con trai cụ cũng tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước. Bởi vậy, khi được phân công tìm địa điểm cho bác, đồng chí Trần Đăng Ninh và đồng chí Nguyễn Tấn Phúc (người làng Vạn Phúc) đã nghĩ ngay đến nhà cụ Dương.

Xét về địa thế, làng Vạn Phúc vốn là một điểm an toàn trong an toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, nằm trên đường giao thông ra vào Thủ đô Hà Nội hoặc di chuyển lên Sơn Tây - Hòa Bình, rất thuận tiện mà lại không quá xa Hà Nội, đáp ứng yêu cầu nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời của Bác. Cũng theo nhiều tài liệu để lại, sở dĩ các cán bộ chọn ngôi nhà của cụ Dương vì nhà có căn gác 2 tầng, có đủ điều kiện ăn ở, làm việc cho Bác và các đồng chí bảo vệ, Bác không phải cải trang hoặc giấu mình như ở một số địa điểm khác.  

“Địa chỉ đỏ” của Thủ đô Hà Nội

Từ năm 1975, ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương - nơi Hồ Chủ tịch đã ở và làm việc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử. Hàng năm, cứ đến ngày 19-12, nhân dân Vạn  Phúc cũng như khách tham quan lại đến ngôi nhà này để ôn lại truyền thống lịch sử của Đảng cũng như kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.

Ngôi nhà lịch sử và những ký ức về Bác ảnh 3Nhà lưu niệm Bác Hồ của gia đình cụ Nguyễn Văn Dương

Nhắc lại giá trị, ý nghĩa của di tích này, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, căn nhà của cụ Nguyễn Văn Dương là một nhân tố quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc, đảm bảo an toàn cho các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng đến làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các đồng chí Bộ trưởng của Chính phủ lâm thời.

Đây cũng là nơi chứng kiến Hội nghị mở rộng Thường vụ Trung ương Đảng để quyết định sự kiện toàn quốc kháng chiến năm 1946. “Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có sự kính trọng và biết ơn với gia đình cụ Nguyễn Văn Dương và các thế hệ con cháu của cụ đã hiến dâng căn nhà cho Nhà nước để đưa nó trở thành di sản văn hóa. Rất hy vọng di tích này sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” không chỉ cho những người đã từng sống và làm việc tại đây, mà còn đối với thế hệ trẻ để biết rằng Thủ đô Hà Nội có những điểm đến ghi dấu những thời khắc lịch sử quan trọng của cả dân tộc”.

Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Đoàn Kết, làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội gồm 2 tầng, 2 dãy nhà ngang, nhà bếp, sân gạch… Dãy bên phải là phòng khách thường xuyên đón tiếp du khách tới thăm, dãy bên trái là phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc. Trong 16 ngày từ 3 đến 19-12-1946, Bác đã được cụ Nguyễn Văn Dương nhường lại toàn bộ căn gác 2 để ở và làm việc.