“Nghiện” game - cai thế nào?

(ANTĐ) - Thời gian nghỉ hơn 10 ngày dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng chưa đủ dài cho cả gia đình chị N.M.Lan, cán bộ Công ty TNHH Mai Anh khi phần lớn thời gian nghỉ ngơi được cả nhà dành cho các trò game online. Theo ông Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bộ Y tế, điều trị nghiện game online, internet là một vấn đề phức tạp và khó khăn.

“Nghiện” game - cai thế nào?

(ANTĐ) - Thời gian nghỉ hơn 10 ngày dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng chưa đủ dài cho cả gia đình chị N.M.Lan, cán bộ Công ty TNHH Mai Anh khi phần lớn thời gian nghỉ ngơi được cả nhà dành cho các trò game online. Theo ông Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bộ Y tế, điều trị nghiện game online, internet là một vấn đề phức tạp và khó khăn.

Thu hoạch nông sản trong trò Farm Ville có sức hấp dẫn mạnh mẽ với dân mạng
Thu hoạch nông sản trong trò Farm Ville có sức hấp dẫn mạnh mẽ với dân mạng

Từ những thú vui nhỏ

Nhà anh Bảo, chị Lan là một hội mê game online, chồng chơi Võ lâm truyền kỳ, vợ chơi trang trại (Farm Ville). Chồng thì ôm máy tính, dán mắt vào đám quân múa kiếm trên màn hình. Chị Lan cũng không chịu kém, về nhà là bật laptop, ngó nghiêng xem trang trại có thu hoạch được gì không. Trò chơi hấp dẫn đã lôi kéo cả bé Việt. Kết quả là sau mấy tháng luyện “trang trại”, bé Việt học sút đi trông thấy. Giáo viên chủ nhiệm gặp chị nhắc nhở: “Dạo này trên lớp cháu không tập trung học, hay ngủ gật”...

Nghiện internet nói chung, nghiện game online nói riêng đang là vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, khi các dịch vụ internet, các trò chơi trực tuyến đang ngày càng thâm nhập vào đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, đã có nhiều trường hợp chết do kiệt sức vì chơi game. Ông Lê Minh Công cho biết, ngày càng nhiều người ở nhiều nước trên thế giới than phiền các trò chơi nhập vai trực tuyến khiến họ sa sút việc học, mất việc, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí ly hôn, nhiều trường hợp tìm đến cái chết...

Trung tâm Tham vấn tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên (thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 - Bộ Y tế) thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nghiện game online. Theo thống kê không đầy đủ, có khoảng

5-7% trên tổng số hơn 500 người đến khám và điều trị là người nghiện game online. Nhiều trường hợp khi đến khám đã có các biểu hiện rối loạn cảm xúc hoặc hành vi, có nhiều trường hợp đã bỏ học, bỏ nhà đi lang thang hoặc tham gia trộm cắp lấy tiền chơi game online.

Tới các triệu chứng tâm lý 

Em T.T. Hiếu, SN 1997, đang là học sinh lớp 6 tại huyện Đông Anh được bố mẹ đưa đến khám với lý do bỏ học, bỏ nhà đi bụi, ăn trộm tiền của mẹ và chơi game online quá mức. Cậu bé được khám và chẩn đoán rối loạn hành vi và cảm xúc ở thanh thiếu niên, được điều trị hóa dược bởi các triệu chứng có hung tính, thờ ơ, mất cảm xúc và rối loạn giấc ngủ.

Qua tìm hiểu, được biết em này chơi game từ khi bắt đầu vào lớp 4. Lúc đầu chỉ là chơi trò chơi bình thường cho vui nhưng vào tháng 9-2008, em bắt đầu tham gia trò chơi trực tuyến. Hàng ngày em ngồi 4-5 tiếng trên máy tính, bỏ học và tìm cách nói dối cha mẹ là đi học thêm để lấy tiền chơi game. Việc học của em ngày càng bê trễ, em thường xuyên trốn học nhưng vì công việc bận rộn nên bố mẹ em không biết.

Không chỉ các em trai mới nghiện game. Một trường hợp khác là P.H.Anh, học sinh lớp 10. Cô được ba mẹ đưa đến tham vấn với lý do hay bỏ học, tụ tập đánh nhau, ăn mặc như con trai và ngỗ nghịch. Bắt đầu vào lớp 10, cũng là lúc H.Anh làm quen với internet, cô sử dụng internet 5-6 tiếng/ngày, chủ yếu tham gia các forum, chat...

Sau đó, qua bạn bè, cô biết đến các trò chơi trực tuyến và càng ngày càng bị hút vào trò chơi. Vì gia đình không cho sử dụng internet nhiều nên mỗi ngày cô dành khoảng 2 giờ vào mạng tại nhà, 4 giờ tại các điểm truy cập internet.

Trong thời gian chơi game trực tuyến, cô làm quen và tham gia vào một diễn đàn với các cô gái từ 15 đến 20 tuổi. Họ tự cho mình là những người đồng giới nữ (lessbian) và coi đó là mốt của thiếu nữ thời nay. Đây chính là lý do để cô thường xuyên bỏ nhà, bỏ học đi chơi với nhóm bạn trên mạng, tóc cắt ngắn và xưng hô anh em như những cặp tình nhân.

Gia đình - yếu tố quan trọng trong việc cai nghiện

Theo ông Lê Minh Công, gia đình là yếu tố cực kỳ quan trọng trong vấn đề cai nghiện internet và game online. Đối với người lớn việc tự ý thức điều tiết, giảm dần mức độ, thời gian vào các trò chơi là cách thức thực hiện đơn giản nhưng hiệu quả.

Chị  Lan cho biết, sau khi được cô giáo của con “nhắc nhở” đã cai nghiện cho cả nhà bằng cách thay vì lao đầu vào trồng những giống cây ngắn ngày, mất thời gian, vợ chồng chị và bé Việt trồng những giống cây dài ngày. Chị giao hẹn với con, sẽ chỉ được “ghé qua” trang trại khi đã học xong bài và “thưởng” cho chơi ở trang trại trong những ngày cuối tuần.

Ngoài ra, để hạn chế trẻ em quá say mê game, các vấn đề gia đình cần được quan tâm giải quyết đặc biệt là về thời gian dành cho việc chăm sóc con cái, sinh hoạt gia đình…

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân tâm lý thường gặp khi trẻ nghiện internet là do tác động từ phía gia đình, cha mẹ bận việc, không có thời gian gần gũi con cái; gia đình lục đục, ly thân, ly dị; trẻ bị trừng phạt bằng roi vọt... H.Anh tâm sự, tán gẫu trên internet là lúc cô cảm thấy vui vì được trò chuyện với nhiều người và cho cô cảm giác không còn cô đơn.

Khi tham gia forum cùng nhóm bạn lessbian, cô có cảm giác mình được tôn trọng vì được những thiếu nữ khác gọi là “anh”. Chính những cảm giác đó đã cuốn hút cô và làm cô không thể thoát khỏi thế giới ảo và sau này là thật. Sở dĩ vậy vì ba mẹ của H.Anh có quá ít thời gian dành cho cô khiến cô luôn cảm thấy cô đơn trong cuộc sống, ít được chia sẻ với mọi người.

Trong lúc trẻ em ngày càng có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin cả ở trường và ở nhà, việc điều tiết thời gian và thói quen đối với những thú vui qua mạng là điều rất đáng quan tâm với các gia đình để tránh bước vào lực hấp dẫn của các trò game online.                                               

Mai Lê