Nghiện, cai nghiện, tái nghiện

ANTĐ - Theo những nghiên cứu mới nhất nghiện ma túy là căn bệnh mạn tính của não. Và dĩ nhiên đã là căn bệnh mạn tính thì thường tái phát, với người nghiện là tái nghiện. Chỉ cần sử dụng ma túy một lần là có thể mắc bệnh và não không bao giờ quên dấu ấn do ma túy để lại và bất kỳ cơ hội nào có thể, căn bệnh có thể tái phát.

Cho đến nay rất khó xác định chính xác số người nghiện ma túy tại Việt Nam. Ngoài những người nghiện các loại ma túy cổ điển như thuốc phiện, heroin, cocain, cần sa… còn có người nghiện các loại ma túy tổng hợp mà dấu hiệu nghiện hoàn toàn không rõ ràng. Theo số liệu của Bộ Công an, đến ngày 30-6-2011, cả nước có 150 nghìn người nghiện ma túy được quản lý tăng 6.700 người so với cùng kỳ năm trước (số liệu tại cuộc họp kiểm điểm của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm ngày          1-11-2011).

Báo cáo tại cuộc giao ban của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) ngày 28-10-2011, TP Hà Nội có 21.000 người nghiện ma túy trong đó có 11.000 người đang tự do… nghiện ngoài xã hội, chỉ có 10.000 người đang cai nghiện tại các trung tâm và cộng đồng quản lý được. Theo ông Nguyễn Đăng Quyền (Ban chỉ đạo Phòng chống ma túy Hà Nội) con số này chưa bao gồm các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá, các loại ma túy gây ảo giác…

Theo một tài liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống ma túy TP Hồ Chí Minh, trên 80% người nghiện ma túy dưới 35 tuổi, trong đó tiêm chích ma túy 73%, 7,8% hít hút ma túy còn lại là dạng nghiện khác. Chích ma túy là phương tiện lây lan chủ yếu căn bệnh HIV tại Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Y tế đến 10-2011, cả nước có 193.350 người nhiễm HIV còn sống trong đó 47.000 người đã mắc AIDS, đã có 51.300 người chết vì AIDS. 60% số người mắc HIV là do tiêm chích ma túy, gần 40% do lây truyền qua đường tình dục. Năm 2011 chỉ tính đến 10-2011 đã phát hiện mới 9.200 người mắc HIV trong đó có 3.700 người đã bị AIDS. Cũng trong thời gian đó đã có 1.400 người chết vì AIDS.

Trong các vụ côn đồ gây án gần đây, chúng ta thấy xuất hiện những sát thủ lạnh lùng, đâm chém không ghê tay. Đây là sản phẩm của ma túy đá, kẻ phá hoại não người không thương tiếc. Dọc phố Giang Văn Minh, trong các quán nước vỉa hè, thi thoảng chúng ta gặp mấy cô cậu học sinh có hành vi lạ, kẻ thì cười sằng sặc, kẻ thì khóc hu hu, người thì đờ đẫn, tay bắt chuồn chuồn… đó là tín đồ của cần sa. Tại các bệnh viện tâm thần, số lượng bệnh nhân mắc bệnh thần kinh do lạm dụng ma túy mỗi ngày một tăng.

Nhưng quan trọng hơn, nghiện ma túy dẫn đến mất khả năng lao động, sa sút nhân cách, mất tự trọng, cùng nhu cầu ma túy ngày càng tăng, dẫn đến phạm pháp. Theo báo cáo tại Hội nghị kiểm điểm 9 tháng đầu năm 2011 của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm có tới 70% các vụ án hình sự liên quan tới ma túy và người nghiện ma túy. Có loại án hình sự mà đến 90% thủ phạm là người nghiện ma túy - tội cướp giật. Hầu hết những vụ đâm chém kinh hoàng cũng liên quan tới người nghiện ma túy.

Với mỗi gia đình, người nghiện ma túy giống như hung thần, họ phá hủy bản thân đã đành, họ phá hủy cơ nghiệp cả gia đình đã đành, họ còn đầu độc cả tương lai của mỗi con người trong gia đình. Đã có nhiều vụ việc người nghiện ma túy không chết nhưng nhiều người vợ, nhiều người mẹ và cả những đứa trẻ đã tìm đến cái chết để thoát khỏi người nghiện ma túy. Tôi còn nhớ vụ việc ở Lai Châu mười năm trước, cả hai mẹ con đã chọn lá ngón  vì người chồng nghiện đến mức bán cả chiếc nồi nấu cơm cuối cùng của gia đình. Một gia đình ở Nghĩa Tân (Hà Nội) đã từng nhắm mắt đi đền 47 chiếc xe máy mà ông con trai duy nhất trót “mượn” ở khắp nơi, từ họ hàng đến bạn bè, thậm chí cả khách đến chơi nhà cũng bị lấy xe mang đi cầm đồ lấy tiền dùng ma túy. Không còn nỗi khổ nào hơn cho gia đình đó, bởi đến chiếc xe máy thứ 48 cậu con trai bị bắt, và khi khám bệnh, bác sĩ trại tạm giam xác định không chỉ cậu có HIV mà đã bị AISD. Ông bố nước mắt lưng tròng… vậy là tôi tuyệt tự rồi.  Giá như ngay từ chiếc xe máy thứ nhất ông đã báo công an, và đưa con đi cai nghiện thì đâu đến nỗi… Nhưng nghiện là một việc và cai nghiện lại là một việc khác.

Chuyện cười cai nghiện

Chuyện về một chàng trai trẻ ở một tỉnh miền núi phía Bắc, trót nghiện ma túy bị gia đình nhốt trong một lồng sắt lớn 3 năm trời, trong ba năm ấy chỉ nhờ một cái thìa mà chàng trai đó đã đào một đường hầm dài đến hơn 20m để trốn khỏi lồng… đi tìm ma túy. Anh ta vừa mới chết vì sốc thuốc đầu năm nay. Câu chuyện được đăng báo làm nhiều người… thán phục. Thế mới thấy cái sức mạnh ma quái của ma túy. Nhưng kỷ lục mà tôi biết được là của một gia đình ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Cậu con trai duy nhất của ông H. nghiện ma túy đã được 14 năm. Đó là một cầu thủ U16 quốc gia, đã từng đi thi đấu tại giải U16 Đông Nam Á. Tương lai vậy mà nghiện, nghe nói gần nửa đội hình U16 đó nghiện ma túy. Trong vòng 14 năm nghiện, cậu được gia đình cho đi cai nghiện… 64 lần. Đủ mọi cách cai, đủ mọi trung tâm, nhưng nghiện vẫn hoàn nghiện. Còn câu nói hay nhất về cai nghiện là câu nói của một vị giám đốc một trung tâm cai nghiện trước đóng ở gần chợ Nghĩa Tân. Sau 10 năm làm nghề cai nghiện ma túy, anh tuyên bố xanh rờn: “Tôi chưa cai nghiện được một người nghiện ma túy nào”.

Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện lên đến 90%. Nhưng với tư cách là người đã theo dõi tệ nạn ma túy nhiều năm, có thể khẳng định tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện lên tới 99%. Không có người nghiện nào không có một lần có ý định cai nghiện, và kết quả là không cai nghiện được. Tôi đã chứng kiến một người nghiện, phạm tội cướp bị đi tù 7 năm. Bảy năm không người tiếp tế, bảy năm anh ta lầm lũi lao động trong vùng sâu, tưởng như ma túy đã rời bỏ anh ta. Vậy mà ngày ra tù, đứng trước cửa trại, ngay hơi thở tự do đầu tiên anh ta đã phát hiện cách đó hơn trăm mét có mùi thuốc phiện, và chân anh ta không còn theo ý anh ta nữa, nó tự động xê dịch về phía có cái mùi ma túy kia. Số tiền lao động 7 năm được trại trả cho vừa đủ anh hút được 3 ngày và chỉ sau nửa năm anh ta lại vào trại với tội trộm cắp. Từ lúc ra trại, anh ta chưa kịp về đến nhà.

Ngay số liệu do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cung cấp trong cuộc giao ban ngày 28-10-2011 cũng cho thấy hiện nay có 34.076 người nghiện đang cai nghiện tại các Trung tâm cai nghiện và cộng đồng, tính từ đầu năm 2011 đã có 110.720 lượt người cai nghiện bắt buộc, 2.473 lượt người cai nghiện tự nguyện và 5.141 lượt người cai nghiện tại cộng đồng. Gọi là lượt, bởi vì mỗi người nghiện đều có số lần cai nghiện lên đến hàng chục lần. Riêng Hà Nội hiện nay có gần 10.000 người đang được cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên người cai nghiện thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại sao cai nghiện khó vậy?

Như phần trên chúng tôi đã nói, nghiện ma túy là căn bệnh mạn tính của não. Việc các trung tâm cai nghiện chỉ giải quyết được khâu cắt cơn nghiện, loại trừ tức thời triệu chứng cai nghiện, không hề làm thay đổi bản chất của bệnh mạn tính của não. Bất kỳ khi nào xuất hiện các điều kiện cần và đủ, cơn bệnh sẽ tái phát. Vậy những điều kiện cần và đủ đó là những gì? Trước tiên là ở ý chí và quyết tâm của người cai nghiện. Tôi có thể khẳng định ngay sau khi đi cai nghiện về, 100% người nghiện đều muốn thoát khỏi tình trạng nghiện ma túy. Họ quyết tâm, họ hứa hẹn, họ tìm kiếm việc làm… Nhưng với quá khứ nghiện, với mặc cảm về những lỗi lầm của người nghiện cùng với sự coi thường, nghi kỵ và xa lánh của cộng đồng và cả gia đình nữa, chút quyết tâm, chút ý chí ấy suy giảm dần và cuối cùng điều kiện cần đầu tiên đã xuất hiện. Họ đi tìm sự trợ giúp để có thể có niềm vui. Còn có niềm vui nào dễ tìm và quen thuộc hơn ma túy.

Nhưng thực sự, quyết tâm cũng như ý chí của người cai nghiện không cân sức với sức mạnh của ma túy. Dấu ấn của ma túy trong não người nghiện mạnh đến mức dễ dàng đè bẹp nọi quyết tâm cũng như ý chí của người nghiện. Trong khi đó, môi trường thì đầy rẫy ma túy. Với người nghiện, chỉ một hơi khói ma túy phảng phất trong không khí thôi thì não người nghiện đã  tê liệt mọi phản kháng. Cái anh bạn đã không chạm đến ma túy 7 năm, nhưng ra trại ngửi thấy mùi thuốc đã không còn làm chủ được bản thân là một ví dụ.

Trong khi đó, ma túy các loại có ở Việt Nam nhiều không kể xiết. Mặc dù lực lượng bảo vệ pháp luật đã hết sức cố gắng, lập nên những kỳ tích, nhưng hình như vẫn là chưa đủ. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011, lực lượng bảo vệ pháp luật đã khám phá 12.800 vụ án ma túy, bắt giữ 22.500 tội phạm, thu giữ 233,62kg và 167 bánh heroin, 2.618 kg thuốc phiện, 7 tấn cần sa tươi, 500kg cần sa khô, 61,8kg và 300 nghìn viên ma túy tổng hợp. Riêng Hà Nội, 9 tháng đầu năm đã phát hiện xử lý 1.900 vụ án ma túy, có vụ thu được 11 bánh heroin. Nhưng đúng là chưa đủ. Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định có thể mua ma túy ở bất kỳ nơi đâu.

Thậm chí, giá ma túy có vẻ còn rẻ hơn nếu so với gia cả thị trường, so với vài năm trước, và vì vậy số lượng con nghiện mới vẫn tăng. Một môi trường có ma túy là điều kiện đủ để bao nhiêu công sức cai nghiện đổ xuống sông xuống bể. Nhưng nếu chỉ nói như vậy, tôi nghĩ có thể là bất công so với sự cố gắng của hàng nghìn hàng vạn chiến sỹ trên mặt trận chống ma túy suốt nhiều năm qua. Về mặt pháp lý, chúng ta đã có Bộ luật Hình sự điều chỉnh về các tội phạm ma túy. Ứng xử với các hoạt động chống ma túy chúng ta đã có Luật Phòng chống ma túy. Đã có một cuộc vận động lớn toàn xã hội, huy động mọi nhân lực vật lực cho cuộc chiến chống quốc nạn: ma túy.

Cũng chưa có đất nước nào trên thế giới mà từ chính quyền Trung ương tới cơ sở, tất cả các tổ chức quần chúng đều tham gia phòng chống ma túy. Không chỉ cai nghiện, giám sát sau cai nghiện, mà còn luôn luôn quan tâm đến người sau cai nghiện. Riêng TP.HCM chỉ trong 10 tháng  đầu năm 2011 đã duy trì được 343 câu lạc bộ sau cai nghiện tập hợp hàng nghìn người sau cai nghiện sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau. Trong 10 tháng TP.HCM đã bố trí việc làm cho 1.070 người sau cai nghiện ma túy. Mỗi năm ngân sách Nhà nước đã chi trên 700 tỷ đồng cho công tác cai nghiện ma túy.

Rất cố gắng, rất cố gắng nhưng trước ma túy, cố gắng đó chưa đủ. Có thể cần phải đi tìm một phương sách mới chăng?

Những bất cập trước mắt

Việc tập trung cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng nghiện ma túy là hợp lý. Cách ly các đối tượng này ra khỏi xã hội một thời gian vừa có ích cho chính người nghiện, vừa có ích cho xã hội. Đối với người nghiện là cơ hội rất lớn và phục hồi sức khỏe, phục hồi nhân cách. Đối với xã hội, cách ly các đối tượng nghiện là giảm bớt nguy cơ phạm tội của các đối tượng này góp phần gìn giữ trật tự xã hội. Tuy nhiên việc đưa trở lại cộng đồng các đối tượng sau cai nghiện là việc chưa hợp lý. Với khoản chi gần nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc cai nghiện ma túy sau đó tái nghiện 99% là một việc làm lãng phí nghiêm trọng. Mặc dù việc truy quét bắt giữ những trùm ma túy trong các vụ án lớn, chúng ta đã có nhiều thành công, tuy nhiên chúng ta chưa tập trung truy quét lực lượng bán lẻ ma túy. Tình trạng có thể dễ dàng mua được ma túy trong thành phố là sự không thể chấp nhận được. Tôi xin kể một chuyện nhỏ: Ông bố vợ tôi bị ung thư gan, ngay sau khi bệnh viện trả về nhà, tôi đã được hàng chục người tư vấn cho ông ấy dùng ma túy cho bớt đau, thậm chí nhiều người còn sẵn sàng mua giúp. Ôi sao ma túy lại phổ biến đến như vậy.

Một bất cập nữa là việc ứng xử với người nghiện về mặt pháp lý. Theo qui định của Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009, thì người sử dụng chất ma     túy không bị xem xét trách nhiệm hình sự. Mặt khác Luật Phòng chống ma túy lại yêu cầu cả xã hội quan tâm, động viên, giáo dục, thuyết phục họ từ bỏ ma túy. Chính sự thiếu nghiêm khắc về mặt luật pháp đã tạo ra sự dung dưỡng phi lý, tạo ra sự dễ dàng tái nghiện sau cai của người nghiện.

Theo chúng tôi việc trả về cộng đồng người sau cai nghiện là một hành động nhân đạo. Nhưng nếu xét đến nguy cơ tái nghiện quá cao thì việc đưa người sau cai nghiện về cộng đồng cần xem xét lại. Xem xét chính vì lợi ích của người sau cai nghiện ma túy.

Xin đề xuất một mô hình

Hiện nay trong cả nước cũng chỉ mới có hai biện pháp cai nghiện ma túy. Cách phổ biến nhất là đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện, dùng các loại thuốc an thần cắt cơn, loại trừ hội chứng cai nghiện, sau đó phục hồi sức khỏe và nhân phẩm bằng lao động và sinh hoạt tập thể một thời gian.

Cách thứ hai là dùng chất thay thế ma túy chủ yếu hiện nay là methadone. Biện pháp này có hiệu quả rất cao, người nghiện ma túy dễ dàng từ bỏ ma túy, khôi phục sức khỏe. Tuy nhiên giá thành thuốc quá cao, triển khai rộng có nhiều khó khăn. Hiện nay, mới chỉ có Hải Phòng điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone cho 1.400 người, TP.HCM cho 5.000 người. Vừa rồi ngày 1-11-2011 trong cuộc họp kiểm điểm công tác 9 tháng đầu năm  của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đã có một sự chỉ đạo quan trọng đề nghị các đơn vị nghiên cứu chất thay thế methadone để triển khai nhanh biện pháp cai nghiện này. Hy vọng chúng ta sớm có một hoạt chất thay thế ma túy mang nhãn hiệu Việt Nam.

Rõ ràng hiện nay chúng ta vẫn phải trông cậy vào biện pháp cai nghiện cổ điển: cắt cơn và phục hồi sức khỏe nhân phẩm. Tuy nhiên thay vì sau khi cai nghiện chúng ta cần hạn chế việc đưa họ về sớm cộng đồng.

Từ ví dụ anh bạn đi tù 7 năm, không nghĩ đến ma túy, chúng tôi xin trình bày một phương án, có thể giải quyết được tình trạng tái nghiện đến 99% sau cai.

Để đảm bảo việc không tái nghiện chắc chắn người sau cai nghiện phải sống trong một môi trường không ma túy. Trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay một xã hội không ma túy chỉ là ảo tưởng. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những tiểu vùng không ma túy. Tại những vùng này có thể có rào chắn, hoặc hạn chế ra vào, phía trong vùng có thể người sau cai buộc phải hạn chế một số quyền như đi lại, khám xét... Những tiểu vùng này nên đủ lớn để xây dựng các cơ sở công nông nghiệp tạo việc làm cho người sau cai nghiện, thậm chí có thể tạo điều kiện cho người sau cai nghiện lập gia đình, sống ổn định lâu dài.

Lập hành lang pháp lý về những tiểu vùng này là công việc đầu tiên phải làm, sau đó lựa chọn và đầu tư xây dựng... Sẽ còn rất nhiều việc làm... Hy vọng chúng ta sẽ nâng được tỷ lệ người cai nghiện ma túy thành công.