Nghịch cảnh ở Ea Kuêh

ANTĐ - Xây phòng học kiên cố rồi để hoang, trong khi hàng trăm học sinh phải học trong những phòng tạm bợ- nghịch cảnh này đã xảy ra ở xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc.
Phòng học xây xong bỏ hoang lãng phí 230,6 triệu đồng
Phòng học xây xong bỏ hoang lãng phí 230,6 triệu đồng
Ea Kuêh là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Cư M’gar, được thành lập từ năm 2004, dân số hiện 1.397 hộ với 6.617 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 66%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện còn 24%. Trong những năm qua, nhờ thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước mà bộ mặt nông thôn Ea Kuêh có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. 
Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, Ea Kuêh đã được Nhà nước đầu tư gần 5 tỷ đồng cho xây dựng trụ sở làm việc của xã, các đường liên thôn buôn và trường lớp học. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và điều tra trên thực tế của chúng tôi cho thấy, một số công trình xây dựng ở Ea Kuêh đã bộc lộ sai phạm, gây lãng phí lớn. Trong đó, lãng phí nhất là xây dựng 2 phòng học thuộc phân hiệu Trường mẫu giáo buôn Win ở buôn Gia Rai-Kroa. Công trình này có tổng kinh phí đầu tư 230,6 triệu đồng, khánh thành và đưa vào sử dụng từ 7-2009. Nhưng cũng từ khi khánh thành đến nay, phân hiệu này để hoang hoá cho cỏ mọc và hư hỏng. 
Trong khi học sinh ngồi học trên bụi và lớp học trống huếch, trống hoác 
Trong khi học sinh ngồi học trên bụi và lớp học trống huếch, trống hoác

Ngày 15-3-2012, trao đổi với chúng tôi, ông Niê Y Kua, Buôn trưởng buôn Gia Rai-Kroa cho biết: “Năm 2009 buôn được đầu tư xây dựng 2 phòng học mẫu giáo. Do trung tâm buôn không có quỹ đất, nên xã đã chọn xây phòng học ở địa điểm quy hoạch buôn mới-cách buôn Gia Rai-Kroa tới 5 km, trong khi đó đường đi từ buôn tới phòng học không thuận tiện, nên bà con không đưa con em tới học ở các phòng học mới xây”.

Theo điều tra của chúng tôi, việc bà con buôn Gia Rai-Kroa không đưa con em tới học tới 2 phòng học mới xây còn do, buôn này nằm khá gần điểm chính Trường mẫu giáo buôn Win. Và đoạn đường từ buôn tới trường chỉ gần 3km đã được thảm nhựa, rất thuận tiện, nên bà con đã cho con em tới học ở điểm trường chính.

Phân hiệu Trường tiểu học Lý Tự Trọng ở buôn Xê Đăng quá tạm bợ
Phân hiệu Trường tiểu học Lý Tự Trọng ở buôn Xê Đăng quá tạm bợ

Trong buổi làm việc với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thể, Hiệu phó Trường mẫu giáo buôn Win khẳng định: Trước khi lập dự án đầu tư xây dựng 2 phòng học phân hiệu buôn Gia Rai-Kroa, Ban giám hiệu nhà trường đã có ý kiến không nên xây ở địa điểm đó, vì vị trí xây phòng học cách xa buôn, đường đi không thuận tiện. Trong khi buôn lại gần điểm chính của trường, nên việc xây điểm trường ở buôn Gia Rai-Kroa là không cần thiết. Nhà trường đề đạt nguyện vọng, nên chuyển 2 phòng học này vào xây dựng ở những điểm trường xa hơn như buôn Xê Đăng, cách điểm chính tới hơn 10km. Nhưng những người có trách nhiệm của xã Ea Kuêh (đại diện chủ đầu tư dự án) đã viện ra những lý do này khác để xây 2 phòng học ở buôn Gia Rai-Kroa cho bằng được, rồi sau đó để hoang. Trong khi các buôn khác lại quá thiếu phòng học cả bậc học mầm non và bậc tiểu học.

Nhà văn hoá cộng đồng buôn Triết được tận dụng làm phòng học
Nhà văn hoá cộng đồng buôn Triết được tận dụng làm phòng học

Được biết, hiện Trường mẫu giáo buôn Win hiện có 1 điểm trường chính và 6 phân hiệu ở các thôn buôn, với tổng cộng 8 phòng học, tổng số học sinh là 350 em. So với nhu cầu về phòng học, Trường mẫu giáo buôn Win thiếu tới 7 phòng học, gồm điểm chính thiếu 3 phòng, các phân hiệu thiếu 4 phòng. Tại các phân hiệu ở buôn Xê Đăng, buôn Triết và buôn Hlúk, học sinh đang phải học trong những phòng học hết sức tạm bợ, tác động tiêu cực đến chất lượng dạy và học.

Do quá thiếu phòng học, hàng trăm học sinh mầm non và tiểu học xã Ea Kuếh phải ngồi học trong các phòng học tạm bợ. Cụ thể, Trường tiểu học Lý Tự Trọng, tính đến tháng 3-2012 này, toàn trường thiếu 5 phòng học. Ngày 15-3, chúng tôi có mặt tại Phân hiệu buôn Xê Đăng của Trường tiểu học Lý Tự Trọng, tận mắt chứng kiến “thảm cảnh” của gần 100 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 4 ở buôn Xê Đăng. Các em phải ngồi học trong những phòng học tạm bợ, chật hẹp với mái lợp tôn thấp tè, vách thưng ván gỗ trống huếch, trồng hoác, trên nền đất lầy bụi. Với phòng học kiểu này, chỉ một cơn gió nhẹ là bụi đất có thể cuộn lên. Nếu gió thổi mạnh bụi sẽ bay mù mịt, không thể dạy và học được. Vì bụi đất mà từ sách vở, bàn, ghế, bảng đen, cho đến quần áo của thầy cô và học trò đều phủ một màu đỏ quặch của đất ba-zan.

 Nhà nghỉ của giáo viên Phân hiệu Trường tiểu học Lý Tự Trọng ở buôn Xê Đăng chờ sập
Nhà nghỉ của giáo viên Phân hiệu Trường tiểu học Lý Tự Trọng ở buôn Xê Đăng chờ sập

Gặp chúng tôi, các cô Lê Thị Ánh Dương, giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo; Nguyễn Thị Ly Vi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và Lê Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 tâm sự: “Việc dạy và học của cô và trò điểm trường buôn Xê Đăng này, mùa nắng cũng như mùa mưa vô cùng cơ cực. Mùa nắng bụi bặm, trước khi học, cô và trò phải vào dân xin nước tưới khắp nền nhà và xung quanh phòng học để giảm bụi. Vậy mà bụi vẫn cứ dày lên đến ngột thở. Còn những ngày mưa to, gió lớn thì khỏi phải nói, nền phòng học bùn lầy như mặt ruộng, mưa hất vào tứ phía, không thể học nổi!”.

Cũng do phòng học quá tạm bợ, nên vào những tháng mùa mưa, học sinh mầm non và tiểu học buôn Xê Đăng phải nghỉ học nhiều ngày. Vì thế mà cả thầy và trò điểm trường buôn Xê Đăng luôn phải tranh thủ những tháng mùa khô để học chạy chương trình, bù vào thời gian nghỉ học trong mùa mưa. Việc này đã tác động tiêu cực đến chất lượng dạy và học.

Hằng ngày, các học sinh buôn Xê Đăng phải đi bộ hơn 2km để đến điểm trường với những phòng học tạm
Hằng ngày, các học sinh buôn Xê Đăng phải đi bộ
hơn 2km để đến điểm trường với những phòng học tạm
 

Tương tự như điểm trường buôn Xê Đăng, tại điểm trường buôn Triết và buôn Hlúk, học sinh mầm non và tiểu học cũng phải học trong những phòng tạm bợ. Thậm chí, ở buôn Triết,  bước vào năm học (2011-2012) cả 2 phòng học tạm có nguy  sụp đổ, nên học sinh phải chuyển ra học nhờ ở Nhà văn hoá cộng đồng buôn(!).

Hiện toàn xã Ea Kuêh đang thiếu tới 12 phòng học cho học sinh mầm non và tiểu học, hàng trăm học sinh và thầy cô giáo hằng ngày hằng giờ phải vật lộn với con chữ trong những phòng học tồi tàn, tạm bợ, thậm chí mất an toàn. Vậy mà, cũng ở Ea Kuêh người ta lại thừa tiền để xây 2 phòng học kiên cố rồi bỏ hoang. Nghịch cảnh trớ trêu này, nếu những con trẻ các buôn Xê Đăng, Hlúk và buôn Triết hiểu ra, các em sẽ nghĩ gì(?). Chúng tôi cho rằng, cần phải xử lý trách nhiệm những cán bộ đại diện cho chủ đầu tư dự án  xây dựng 2 phòng học theo kiểu “xây lấy được” rồi bỏ hoang ở Ea Kuêh.