Nghẽn mạng học trực tuyến, nhiều ý kiến đề xuất học qua truyền hình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Sau ngày đầu tiên triển khai đồng loạt học trực tuyến tại Hà Nội, tình trạng rớt khỏi lớp học online xảy ra cả với giáo viên và học sinh. Nhiều người lo lắng tình trạng này sẽ gia tăng khi các trường ĐH cũng đồng loạt tổ chức học trực tuyến sau khi tuyển sinh xong trong tháng 9.

Cần có biện pháp dài hơi trong dạy và học khi học sinh không thể đến trường

Cần có biện pháp dài hơi trong dạy và học khi học sinh không thể đến trường

Ngay trong ngày đầu cả nước bước vào năm học mới, với các địa phương đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19 như Hà Nội và TP HCM, việc học trực tuyến đã vấp phải không ít khó khăn.

Mặc dù học sinh đã quen với hình thức học tập trực tuyến nên không bỡ ngỡ với hình thức học này tuy nhiên, thông tin từ nhiều trường học cho thấy tình trạng khó duy trì thông suốt việc dạy học theo đúng thời gian của một tiết học do nhiều học sinh không đăng nhập được vào lớp nhất là ca sáng.

Một phụ huynh ở quận Hai Bà Trưng cho biết, trong vòng 2 tiết học con bị rớt khỏi lớp đến 8 lần. Đây là có phụ huynh làm việc ở nhà hỗ trợ cùng, nếu để con học một mình thì chắc chắn con sẽ không vào được lớp học và bỏ cuộc giữa chừng vì quá nhiều lần bị rớt khỏi lớp học.

Với tình trạng này, giáo viên cũng rất vất vả khi bản thân cũng bị rớt khỏi mạng vài lần. Việc lập lại trật tự lớp, giải quyết các trường hợp học sinh gửi yêu cầu hỗ trợ khiến giờ học không thể hoàn thành lượng kiến thức cần thiết.

Được biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD-ĐT các quận huyện nhanh chóng thu thập phản ánh từ nhà trường và phụ huynh để tìm hướng giải quyết. Việc thống kê những giáo viên, học sinh thiếu thiết bị dạy và học trực tuyến cũng như không có mạng kết nối cũng đang được tiến hành gấp rút để có biện pháp hỗ trợ.

Sở giao quyền chủ động cho các phòng GD-ĐT, các nhà trường căn cứ tình hình thực tế của nhà trường, của gia đình học sinh và khả năng đáp ứng của học sinh để xây dựng thời khóa biểu, xác định thời gian học phù hợp, hiệu quả, tránh gây quá tải, trong đó đặc biệt quan tâm tới học sinh lớp 1, lớp 2.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang xây dựng đề án, đề xuất Thành phố về việc học qua truyền hình với kho dữ liệu được xây dựng bài bản, có lựa chọn.

Được biết, kho học liệu của Hà Nội đã được cập nhật liên tục từ đợt hè vừa qua và đang được hoàn thiện, lựa chọn những bài giảng tốt nhất để công khai cung cấp cho phụ huynh, học sinh có thể tải xuống cho học sinh nghe giảng và ôn luyện.

Đây cũng là định hướng của Bộ GD-ĐT khi việc học qua internet với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước vào cùng một thời điểm là không khả thi.

Ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, với những trường hợp không có internet, địa phương cần phát các tài tiệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em học sinh trên địa bàn mình tiếp cận các học liệu này.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, việc dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải.

"Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin…, khi học sinh vào học trực tuyến đã phải có sự chuẩn bị bài từ trước, đã được đọc SGK từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tương tác thực chỉ còn là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao chúng tôi biên soạn tài liệu này, trong tuần này hoặc tuần tới, chúng tôi sẽ gửi các thày cô để lan toả, tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhành nhưng hiệu quả, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ trong giờ học.", ông Thành cho biết thêm.