Nghề truyền thần thất truyền

ANTĐ - Có thể nói nghề vẽ truyền thần ở vào giai đoạn cực thịnh khi nhiếp ảnh còn chưa được phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội. Được coi là một trong những nghệ thuật vẽ độc đáo ở Việt Nam, nhưng cho đến nay, những người mang sứ mệnh giữ gìn những tinh hoa của nghề vẽ truyền thần đang dần vắng bóng…

Ông Nguyễn Bảo Nguyên miệt mài bên giá vẽ

Hoài niệm một dòng tranh

Vào những thập niên 60 đến 80 của thế kỷ trước, các cửa hàng vẽ truyền thần rất nhiều ở Hà Nội. Đi dọc những dãy phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường…, có nhiều gia đình hành nghề truyền thần. Khách hàng ngày đó thường mang những tấm ảnh cũ, mốc thậm chí rách nát…  đến cửa hàng nhờ họa sĩ vẽ lại, nên được coi là cách phục hồi ảnh hiệu quả nhất, vì giấy vẽ truyền thần không bị ẩm, không hoen ố khi thời tiết ẩm thấp và được vẽ bằng muội than, bảo quản tốt hơn giấy ảnh. 

Hoạ sĩ truyền thần đòi hỏi phải kiên trì và tỉ mỉ. Để hoàn thành xong một bức chân dung phải mất ba đến bốn ngày. Nhiều khi phải thực hiện những tấm ảnh nhỏ cỡ 6 x 9cm mà khách hàng lại yêu cầu tách một trong số người chụp chung trong ảnh để vẽ thành chân dung. Họ phải dùng kính lúp để soi từng chi tiết sao cho chính xác để vẽ thật giống người trong ảnh. Vẽ truyền thần, điều cốt lõi là nắm bắt được cái hồn trong ảnh. Ngoài thể hiện “giống”, người vẽ bằng những nét bút tài hoa, tinh tế, còn phải thể hiện được cái “thần” của nhân vật, từ ánh mắt đến khóe miệng. Những khách hàng khó tính thường tìm đến những hoạ sĩ già, có kinh nghiệm và tay nghề cao. Hiểu tâm lý khách, nhiều cửa hàng lúc nhận việc thường người hoạ sĩ chính, có tuổi cao tiếp khách hàng, sau đó đưa cho con hoặc cháu vẽ. Họ làm như thế vừa để giảm tải công việc cho chính mình, vừa để đào tạo cho con cháu được nâng tay nghề. Khi trả hàng, nếu khách hàng chưa ưng ý thì hoạ sĩ có tay nghề cao trực tiếp chỉnh sửa lại cho đến khi đạt yêu cầu mới thôi. 

Theo các hoạ sĩ, cái khó nhất khi truyền thần là vẽ râu tóc hoặc mắt. Vẽ râu, tóc phải mềm mại, nếu tay nghề “non” vẽ râu nhìn cứng như cọng rơm. Đầu tư cho đồ nghề để vẽ truyền thần rất đơn giản, chỉ cần một giá vẽ, ít giấy trắng trô-ki, kẹp giấy, bút chì mềm, tẩy… là có thể hành nghề được. Đa số nghề vẽ truyền thần đều là cha truyền con nối vì trong các trường mỹ thuật không dạy loại hình nghệ thuật này. Trước đây, Hà Nội còn có cả hợp tác xã truyền thần ở Phố Huế. Các xã viên làm việc theo dây chuyền. Người chuyên phác thảo, người thì vẽ tóc, người thì chuyên vẽ mắt… nhưng cửa hàng này tồn tại không bao lâu vì không thu hút nhiều khách bởi nghề truyền thần là công việc mang tính độc lập và sáng tạo cá nhân.

Bức truyền thần họa sỹ Trần Văn Cẩn của họa sỹ Nguyễn Văn Len vẽ năm 1996

Mai một trước cơn bão “số hóa”

Hiện nay ở Hà Nội chỉ còn lác đác một vài người bám trụ với nghề vẽ truyền thần. Các dãy phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đường, nay chỉ còn sót lại đôi ba cửa hiệu, phải kể đến là ông Nguyễn Bảo Nguyên (số 47 phố Hàng Ngang), ông Trần Thịnh (số 24 Hàng Đường)… Cái thuở ban đầu, khi không được coi là một môn sáng tạo nghệ thuật, những người vẽ truyền thần bước vào nghề với không ít đắng cay. Để thành thạo tay vẽ, người vẽ phải khổ luyện ít nhất 3-4 năm, thậm chí là cả đời, nhưng họ không được coi là họa sỹ, mà chỉ là một người “thợ truyền thần”. 

Họa sỹ Nguyễn Văn Len - một trong những bậc kỳ tài về vẽ truyền thần nổi danh ở xứ kinh kỳ. Ông có một bộ sưu tập đồ sộ các tác phẩm về các danh nhân của đất nước như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họa sỹ Trần Văn Cẩn, nhạc sỹ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, Thạch Lam… Ít ai biết khi sinh thời ông đã vật lộn với đủ thứ nghề trước khi đến được với nghề vẽ truyền thần. Trải qua một cơn tai biến, sức khỏe ông sụt giảm, đành dang dở nghiệp vẽ. Những người vẽ truyền thần tài hoa cùng thời với ông giờ cũng đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, lần lượt bước vào ngưỡng cửa cuối cùng của cuộc đời. 

Không còn truyền nhân, khi kỹ thuật phục chế ảnh và chỉnh sửa đồ họa dần dần thay thế những nét vẽ thủ công, nghề vẽ truyền thần cũng đứng trước mối đe dọa.

Nếu như trước đây, để phục dựng lại bức ảnh của người quá cố, người ta thường thuê họa sỹ vẽ truyền thần thì nay hoàn toàn có thể tái hiện một bức ảnh tranh nhanh chóng và hiệu quả tốt nhờ vi tính với ưu điểm nhanh, rẻ, tiện lợi. Trước cơn bão “số hóa”, những nét tinh hoa của nghệ thuật truyền thần cũng vì thế dần dần chìm vào quên lãng. Những tuyệt tác bằng muội than trên chất liệu giấy trô-ki nhám kỳ công, tỉ mỉ lại dễ bị lẫn lộn trong những bức đồ họa, hay cả những chân dung thông thường. Nếu như trước kia, những bức vẽ truyền thần ra đời nhằm mục đích chính là dựng lại chân dung những người quá cố, để thờ hoặc lưu giữ trong gia đình thì nay, lối vẽ truyền thần cũng đã biến hóa, thay đổi không ít. Nhiều thợ vẽ non tay, hay vô số những địa chỉ trên mạng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vẽ chân dung hay hình những người nổi tiếng với giá thành rất rẻ, nhưng hầu như không có giá trị đáng kể. Những người còn đau đáu với nghề như ông Bảo Nguyên chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Cửa hiệu vẽ truyền thần của ông chỉ còn một vài khách nước ngoài lui tới. Ngay cả sự hiếu kỳ trước nghệ thuật vẽ độc đáo giờ cũng gần như biến mất.