Nghề mang ong đi... tìm hoa

ANTĐ - Tôi gặp Hiếu ở một khu rừng ở Nghĩa Đàn - Nghệ An. Hiếu kể: “Gia đình em hiện giờ đang ở tỉnh Gia Lai, nhưng em ít khi về nhà, bởi cái nghề của em là quanh năm mang theo đàn ong phiêu bạt đến các vùng miền để tìm hoa. Cực lắm anh ơi!“.

Hiếu bên trang trại ong của mình

Quanh năm phiêu bạt 

Tuyến đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc qua địa bàn các xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Long... huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An với bạt ngàn rừng keo tràm xanh mướt. Ai đi qua cũng không khỏi ngạc nhiên bởi ngay dưới những tán cây keo này xuất hiện hàng nghìn tổ ong mật. Một buổi chiều trời nắng chang chang, vạch những khóm lá keo, lần theo tiếng vo ve của đàn ong, tôi nhẹ nhàng bước chân vào lãnh địa của ong. Hàng nghìn tổ ong, tiếng vo ve của hàng trăm nghìn con đậu lúc nhúc, mùi mật ngọt đến đáy họng. Chợt nghĩ, biết là ong mật nhưng nếu bây giờ chẳng may làm phật ý lũ ong này có lẽ hết đường về! 

Tiến đến một cái lán nhỏ được căng bạt ni lon sơ sài, tôi gặp Hiếu - chủ nhân của đàn ong. Dáng người cao, nước da ngăm đen, miệng luôn nở nụ cười - Hiếu tên đầy đủ là Nguyễn Trung Hiếu (SN 1987), người xã Ia Boong, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. 

Thấy tôi có vẻ sợ bị ong tấn công khi thấy chúng liên tục chao lượn trước mặt, Hiếu nhanh nhảu: “Anh cứ đi lại bình thường, không sao đâu. Miễn là đừng đụng tới nó thì nó sẽ không làm gì mình...”. Rồi Hiếu kể: “Đàn ong này em đưa từ miền Nam ra đây đã được hơn 1 tháng nay. Địa điểm này nhiều hoa tràm và các loại hoa khác nên ong phát triển tốt và nhiều mật lắm...”. Dẫn tôi đi dạo quanh trang trại ong, Hiếu cho biết đàn ong của anh bây giờ đã là hơn 300 tổ và đang tiếp tục phát triển mạnh.

Hiếu vốn quê gốc ở Lý Nhân - Hà Nam, bố mẹ từng làm nghề nuôi ong. Năm 2004 khi mới lập gia đình ở Gia Lai, chưa có việc làm ổn định nên Hiếu nghĩ đến nghề nuôi ong. Lúc đó gom góp được 10 triệu đồng mua được 28 tổ ong, tuy nhiên mới lần đầu thiếu kinh nghiệm nên Hiếu thua lỗ nặng khi đàn ong chết mất gần chục tổ. Không bỏ cuộc, vào năm 2005, Hiếu quyết định đầu tư thêm tiền và mua về tất thảy gần 30 tổ rồi bắt đầu tự nhân giống và đến nay đàn ong của anh đã lên đến hơn 300 tổ.

8 năm làm nghề đặc biệt này, Hiếu đã mang đàn ong của mình đi đến hàng chục tỉnh, thành trong cả nước để tìm hoa. Xa nhất là ra đến các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Hà Nam... còn các tỉnh miền Trung Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... đàn ong của anh đều đã đặt chân đến. Theo Hiếu thì một địa điểm lý tưởng cho ong cư trú tối đa cũng chỉ được gần 2 tháng là phải di chuyển, như vậy trung bình mỗi năm phải 10 lần di chuyển đàn ong từ nơi này đến nơi khác với quãng đường hàng chục nghìn cây số. Có lẽ vì cái nghề đặc biệt đó mà khi tôi hỏi về gia đình thì Hiếu có vẻ buồn: “Gia đình em hiện giờ đang ở Gia Lai, nhưng em ít khi về nhà. Bởi cái nghề này của em là quanh năm mang theo đàn ong phiêu bạt đến các vùng miền để tìm hoa. Cực lắm anh ơi! Nghề này lắm công phu đầy rủi ro, may mắn thì hái ra tiền nhưng cũng có thể trắng tay trong chốc lát, chẳng khác gì đánh bạc với trời...”.

Vừa dẫn tôi đi xem vừa trò chuyện, Hiếu cho biết tháng 4 - 5 - 6 là đỉnh điểm của mùa ong làm mật, vì vậy đây cũng là thời gian mà nhiều người từ miền Nam, Đông Nam bộ mang ong ra khu vực miền Trung và miền Bắc để tìm hoa nhiều nhất. 

Hiếu cho biết, riêng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn vào thời điểm này cũng có đến vài chục người đưa ong từ miền Nam tới đây tìm hoa, người ít nhất cũng phải trên trăm ổ, người nhiều thì 300-400 ổ. Như vậy nhẩm tính cũng có đến hàng nghìn tổ ong đang được trú ngụ để tìm hoa làm mật tại các khu vực này.

Cũng như các xã dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh huyện Nghĩa Đàn, tại các xã ven đường mòn Hồ Chí Minh giáp ranh với huyện Nghĩa Đàn như xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hợp... của huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cũng có đến hàng chục trại nuôi ong của các hộ dân từ miền Nam mang ra.

Công đoạn quay mật ong và đóng thùng

Đánh bạc với trời

Nuôi ong mật tại gia hẳn là nhiều người đã biết đến với bao công phu và tỉ mỉ. Vậy nhưng với cái nghề nuôi ong mật di cư kiểu này còn công phu gấp bội lần. Vừa chỉ cho tôi xem trại ong của mình, Hiếu nói: “Anh cứ thoải mái xem nhé, để em làm nốt mấy việc”. Rồi cứ mình Hiếu cặm cụi trong trại ong hơn 300 tổ được sắp xếp đều răm rắp, lần lượt đi lật từng tổ lên để quét dọn vệ sinh cho mỗi tổ ong. “Người bình thường không hiểu thì cứ nghĩ nuôi ong đơn giản lắm, chẳng phải cho ong ăn uống gì như trâu, bò, lợn, gà, mà cứ đến ngày là lại có mật để quay. Thế nhưng có làm nghề mới biết được việc này công phu thế nào. Ví dụ như nếu mình không thường xuyên kiểm tra mà chỉ cần đàn kiến hay đàn ong lạ đến quấy là cả tổ ong đó có thể bỏ đi ngay, thiệt hại thì khỏi bàn”, Hiếu kể.

Công đoạn vận chuyển hàng trăm tổ ong từ miền Nam vượt hàng nghìn cây số để đi ra miền Trung - Bắc còn tốn sức hơn. Người nuôi phải đi thăm dò địa bàn trước để tìm nguồn hoa cho ong, làm hợp đồng thuê địa điểm làm trang trại. Rồi công đoạn thuê xe ô tô để đưa ong đi là vất vả nhất, trong quá trình vận chuyển nếu không có kinh nghiệm và bí quyết nghề nghiệp thì sẽ làm ong ốm hoặc chết. 

Trời xế chiều, tôi thấy Hiếu bắt đầu đi lần lượt từng tổ ong lấy một vài tầng sáp gom lại để bắt đầu quay lấy mật. Cái thùng quay mật to như cái thùng phi và cao ngang ngực. Vừa thực hiện công đoạn quay mật, Hiếu cho biết: “Ở những khu vực nhiều hoa, ong phát triển tốt thì trung bình mỗi tháng quay mật 2 lần. Còn nếu tính trung bình cả năm thì mỗi tháng quay được một lần. Với khoảng 300 tổ ong thế này mỗi một lần quay được khoảng 500 lít. Với giá bán cho công ty là 40.000-50.000 đồng/kg, nếu may mắn trừ chi phí rồi mỗi năm cũng kiếm được tiền lời trên trăm triệu đồng”.

Nói vậy nhưng không phải khi nào cũng làm ăn may mắn thế. Nhớ lại năm 2009 anh đem hơn 200 tổ ong di chuyển từ miền Nam ra mãi tới Bắc Giang để tìm hoa nhưng vừa “cập bến” được mấy hôm thì thấy đàn ong lăn ra chết như ngả rạ, hoảng hồn cấp tốc thu gom đồ đạc và thuê xe di chuyển ong đi trong đêm tối. Sau đó mới biết địa điểm mình cho ong tìm hoa có nhiều thuốc trừ sâu nên ong đã trúng độc và chết. Khi đó tính ra lỗ to và phải hơn một năm sau mới kéo lại được vốn.

Gần bên trại ong của Hiếu là trại ong của anh Thu, đồng hương với Hiếu cùng đàn ong trên 200 tổ cũng đang cư trú tại khu vực này. Anh Thu tâm sự: “Nghề này nếu nói không có niềm đam mê và yêu nghề thì chắc chắn không ai chịu được lâu”. Khi tôi hỏi, với cái nghề nuôi ong di cư thế này thì công đoạn quan trọng nhất là gì? Thu đáp: “Một trong những công đoạn vất vả nhất, quan trọng nhất và có thể nói là công đoạn “năm ăn - năm thua” để đem lại thành - bại của trong lần mang ong di cư đến khu vực mới đó là việc tìm địa điểm.

Nói công đoạn tìm địa điểm quan trọng nhất bởi vì nếu may mắn mình tìm được vùng đất nhiều hoa, nhiều phấn thì ong sẽ phát triển nhanh, thu nhập được nhiều mật. Vậy nhưng nếu chẳng may việc tìm địa điểm không tốt, mang ong đến vùng cư trú có nhiều thuốc trừ sâu, hay thời tiết khắc nghiệt quá nóng hay quá lạnh thì đàn ong sẽ lăn ra chết. Khi đó nếu không kịp thời phát hiện để di chuyển đàn ong thì trong chốc lát coi như phá sản. Vì vậy mà nhiều người vẫn nói nghề này chẳng khác gì đánh bạc với trời! Bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro, cũng chính cái yếu tố may rủi này mà trong giới nuôi ong này nhiều người thành tỷ phú nhưng cũng nhiều người đã trắng tay”. 

Chia tay Hiếu và anh Thu khi trời chập choạng, Hiếu cũng bắt đầu dừng tay chui vào trong cái lều bạt lụp xụp chừng hơn 5m2 với bộn bề xoong nồi bát đũa là nơi sinh hoạt ăn ngủ chung của Hiếu và Thu để nổi lửa nấu cái nồi cơm trên 2 hòn đá chênh vênh. Nếu không có cái máu yêu nghề và một sức khỏe dẻo dai thì họ không trụ lại nổi với nghề đặc biệt phải quanh năm “nếm mật nằm gai” giữa núi rừng để nuôi ong như thế này.