Ngày đi làm đầu xuân: Vui vẻ xin đừng ép rượu!

ANTĐ - Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, ngày làm việc đầu xuân ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn còn "vương vấn" không ít hương vị Tết. Bên cạnh những lời chúc tốt đẹp, một nỗi ám ảnh của nhiều người là phải uống đủ loại rượu khác nhau, khiến họ xây xẩm mặt mày.

Dường như đã trở thành cái lệ nên hàng năm, cứ vào ngày đi làm đầu tiên sau Tết, các phòng ban ở cơ quan anh Nguyễn Hoàng Minh (ở đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội) lại qua phòng nhau chúc Tết. Phòng này sang chúc phòng kia, rồi phòng kia sẽ sang chúc lại phòng này, cứ thế với cả chục phòng ban thì tần suất chúc Tết trong ngày đi làm đầu xuân trở nên dày đặc.

"Vui vì được các sếp lì xì, nhưng điều mình kinh hãi nhất là đi vào phòng nào, thủ tục đầu tiên cũng là rót rượu chúc tụng nhau. Mà có phải 1, 2 loại rượu đâu, đếm sơ lên tới 5-7 loại, từ rượu vang, vodka Nga, whisky, sâm-panh cho tới các loại rượu quê, rượu ngâm 'của độc'...", anh Minh chia sẻ. "Thế nên dù mình đã cẩn thận ăn lót dạ trước khi đến cơ quan, thì năm nào cũng bị rơi vào tình trạng cồn cào, khó chịu bụng dạ, do phải uống quá nhiều loại rượu trong một buổi sáng".

Chịu đựng loại rượu "tổng hợp" (vang, vodka, whisky...) khiến nhiều người ớn ngại

Tương tự như vậy, chuyện phải uống đủ loại rượu trong ngày đầu đi làm cũng là "ác mộng" đối với chị Trần Thu Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội).

Chị Thủy cho hay: "Mình đang cho con bú, nhưng đi làm vào ngày đầu sau nghỉ Tết thì từ chối kiểu gì cũng khó. Cả công ty có 5 phòng, mỗi phòng một kiểu rượu, chưa kể lúc đi liên hoan tân niên còn có thêm vài loại kỳ dị nữa, pha với tiết con này, mật con kia. Mình nói rõ hoàn cảnh rồi, nhưng vẫn có không ít người nài, bảo cả năm chỉ có một cái Tết".

Trước tình cảnh phải nhắm mắt uống rượu đầu xuân, anh Vũ Mạnh Đức (Xuân Thủy, Cầu Giấy) đã bật mí về tuyệt chiêu của bản thân để giữ sức khỏe.

“Mình không có tửu lượng cao, bụng dạ cũng không quá tốt nên rất ngán việc phải uống đủ loại rượu trong ngày đầu đi làm sau Tết. Thế nên ngoài việc ăn sáng đầy đủ trước khi đi làm, mình chủ định vào phòng nào chúc Tết thì cũng chọn lấy loại rượu na ná nhau nhất. Chẳng hạn như ở phòng đầu uống vang, sang phòng thứ 2 bị rót vodka thì mình từ chối khéo, để rót riêng cốc vang cho mình. Nói chung cố gắng hạn chế tối đa việc ‘nạp’ hổ lốn rượu vào người, vừa mệt vừa hại sức khỏe”, anh Đức chia sẻ.

Ép rượu là điều cần lên án - chứ không phải là "văn hóa chuộng khách"!

Cũng theo anh Đức, một “vấn nạn” cần phải nhắc tới là văn hóa uống rượu hiện nay ngày càng bị biến tướng, vì nhiều người dường như cố gắng chứng tỏ mình trong các cuộc vui – nhất là vào dịp đầu xuân năm mới – nên không chỉ “nốc” thật lực các loại rượu, mà còn ép uổng người khác phải đua theo mình.

Anh Đức bày tỏ: “Ép rượu là điều vô duyên nhất khi ngồi vào bàn. Tiếc thay, càng những người ham vui, thích thể hiện thì thường lại càng hay ép rượu người khác, ép nam giới đã đành, họ còn ép cả chị em phụ nữ, không từ một ai. Từ em gái trẻ đang thực tập cho tới cô cho con bú. Điều đó thể hiện được gì?”

Trong khi đó, chị  Trần Thu Thủy tỏ ra bức xúc hơn: “Dù biết mình đang cho con nhỏ bú nhưng có những người quyết không tha. Họ còn kêu uống vào càng ‘nhuận’ sữa, cho con tửu lượng cao từ nhỏ… Nếu mình kiên quyết tỏ thái độ thì lại sợ không hay, vì đầu xuân năm mới thế này. Còn uống thì cũng khổ, nhấp môi không được, mà họ bảo chỉ ly này thôi, lát sau lại chỉ ly này nữa… Nói chung, mình vô cùng khó chịu trước những người ép rượu, nhất là khi ép phụ nữ phải cạn ly như cánh mày râu vậy”.

Trong dịp đầu năm, rượu cũng đã được xác định là nguyên nhân của không ít vụ tai nạn giao thông hay ẩu đả, va chạm gây thương tích đáng tiếc.

Uống rượu "chuẩn" - có văn hóa - cần sự ý thức của mỗi người

Uống rượu chúc mừng nhau vào dịp Tết đến xuân về, có thể nói đã là một nét văn hóa truyền thống. Song để giữ điều đó thực sự văn hóa thì không phải là điều dễ dàng, phụ thuộc vào ý thức của mỗi người, để chén rượu mang đúng ý nghĩa chứ không phải là “ác mộng”.