Ngày đầu tiên đến trường

ANTĐ - Nhìn các em tất bật chuẩn bị quần áo, sách vở cho ngày khai giảng chị Đào Quỳnh Anh (họa sỹ thiết kế nội thất, hiện trú tại Quan Nhân, Cống Mọc, Hà Nội) thấy lòng tràn cảm xúc.

- Nhớ lại thời cắp sách đến trường phải không, em đi làm lâu chưa?

- Em cũng mới tốt nghiệp thôi. Mới thành người “lớn”, nhớ lắm cái thời trong sáng tung tăng cắp sách đến trường. Giới trẻ giờ sướng hơn xưa nhiều vậy mà thấy không ít những hành vi phạm pháp lại đang được “trẻ hóa”, có lẽ “học làm người” giờ không quan trọng bằng điểm số, những tấm bằng đẹp…

- Đó là những biểu hiện của lối sống thực dụng mà chính các bậc phụ huynh đang hàng ngày “làm gương” cho con cái?

- Tiêu cực có lỗi từ cả hai phía. Cần phải có quy hoạch lâu dài, trường học trước hết là nơi dạy cách làm người không phải chỉ chăm chăm truyền kiến thức. Mà vừa rồi ai cũng thấy mắt cay cay khi xem phóng sự về người thầy giáo ở ngoại thành Hà Nội. Dạy học cả chục năm mà lương chỉ 1 triệu đồng một tháng. Sáng lên lớp, chiều ra ruộng…

- Đồng lương giáo viên hiện nay chắc chắn không đủ sống, nhưng đó có phải lý do để các trường lạm thu? Chắc gì tiền đấy đã để hỗ trợ cuộc sống của giáo viên.

- Đó là cách làm tiêu cực. Nhưng lỗi của ai khi để những thầy cô đáng kính hi sinh cả cuộc đời với bụi phấn, bảng đen, ngày ngày vẫn làm công việc “đưa đò” thầm lặng phải ở trong những căn nhà xập xệ, đồng lương còm cõi? Có cay đắng không khi người ta sẵn sàng thưởng một trận bóng đến cả tỷ bạc, mà bao năm việc nâng lương cho giáo viên vẫn dậm chân tại chỗ?

- Hi vọng các nhà quản lý sẽ có những cải cách hợp lý, làm ngay trước khi quá muộn!

- Các bậc phụ huynh cũng cần xem lại, học phải theo sở trường, sở thích của con cái. Đừng bắt đứa trẻ mới vào lớp 1 phải đeo cái cặp nặng gần bằng 2/3 cơ thể. “Ngày đầu tiên đến trường” nên là những niềm vui, không phải đâu đó những gương mặt ngơ ngác oằn lưng vì sách vở…