Ngày 17-5: Thủ tướng sẽ đối thoại với 2.000 doanh nghiệp

ANTD.VN - Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp" sẽ diễn ra vào ngày 17-5 tới đây tại Hà Nội.

Ngày 17-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại với 2.000 doanh nghiệp

Ông Lê Mạnh Hà- Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết, hội nghị có sự tham gia của khoảng 2.000 đại biểu. Trong đó, 1.500 đại biểu đến từ khối doanh nghiệp tư nhân; Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chế định tài chính có khoảng 200 đại biểu; Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa khoảng 100 đại biểu.

"Chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp" thể hiện quyết tâm của Chính phủ là kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp. Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 chủ yếu là đưa ra phương hướng, năm nay nội dung sẽ chủ yếu là sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải tạo môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp nêu lên khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp"- ông Lê Mạnh Hà nói. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, qua đánh giá của VCCI cho thấy, 75% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá có chuyển biến tích cực và rất tích cực của chính quyền từ trung ương đến địa phương, gần 35% đánh giá chuyển biến còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng nhanh, số lượng doanh nghiệp phục hồi hoạt động cũng tăng nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng chứng tỏ môi trường kinh doanh còn khó khăn với đoanh nghiệp.

Tuy  nhiên, "đánh giá chung kết quả kinh doanh năm 2016 của doanh nghiệp có khởi sắc hơn. Niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh cũng tốt hơn. 48% doanh nghiệp tư nhân được khảo sát cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, tương đồng với số doanh nghiệp trong khối FDI.

Cảm nhận của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh tăng lên. Doanh nghiệp đánh giá cao sự tích cực của cơ quan chính quyền các cấp trong cải thiện môi trường kinh doanh, có đột  phá về quan điểm, tư duy, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp"- ông Vũ Tiến Lộc cho thấy.

Theo đại diện VCCI, thống kê đăng ký của các địa phương cho thấy, năm 2020 cả nước có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp, thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là có thể đạt được. Tất nhiên còn tùy thuộc vào chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, VCCI tập hợp 320 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, phần lớn các kiến nghị đã được giải quyết, nhưng có những vấn đề liên quan đến quy định pháp luật nên văn bản chưa sửa đổi kịp, cần thời gian, còn cần giải quyết.

Sau hội nghị năm 2016, VCCI tập hợp thêm 100 kiến nghị nữa gửi các bộ ngành và nhận được khoảng 45 trả lời, đạt 45%.

Ông Vũ Tiến Lộc cho hay: "Để chuẩn bị cho cuộc gặp năm nay, VCCI đã nhận gần 200 kiến nghị mới. Các bộ, ngành địa phương đang trong quá trình giải quyết các kiến nghị này". 

Nội dung kiến nghị là theo Nghị quyết 35 về cải cách hành chính, đảm bảo quyền kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp... 

Theo đánh giá của VCCI, việc thực hiện kiến nghị của doanh nghiệp thời gian qua có nhiều tiến bộ nhưng việc giảm chi phí kinh doanh chưa như kỳ vọng. Ngân hàng có giảm lãi suất, nhưng thủ tục cho vay còn phức tạp nên tiếp cận tín dụng là vấn đề lớn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chi phí khác đang được doanh nghiệp kiến nghị nhiều, đặc biệt là chi phí bảo hiểm, logistic... nên việc giảm chi phí là yêu cầu quan trọng.

Về quyền lợi doanh nghiệp, cần có thiết chế pháp lý cho lĩnh vực này.

Về thanh tra, kiểm tra, kế hoạch đưa ra là 1 năm thực hiện 1 lần nhưng vẫn có doanh nghiệp bị thanh tra 6-7 lần/năm, số doanh nghiệp bị kiểm tra 2 lần trở lên cho hay có nội dung kiểm tra chồng chéo.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ trước đến nay, Chính phủ đều tạo điều kiện cho doanh nghiệp, và giờ đang chuyển sang phục vụ doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia hội nghị đông thể hiện sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp dựa trên quá trình hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường. 

Chủ tịch VCCI cũng khẳng định: "Sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước là động lực để phát triển và tự chủ kinh tế".