Ngành y tế Thủ đô sau 15 năm mở rộng: Nâng cấp tuyến huyện, hiện đại tuyến trên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 15 năm qua kể từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ngành Y tế Thủ đô đã và đang nỗ lực xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân...
Lãnh đạo TP. Hà Nội cùng Bộ Y tế theo dõi quá trình khám sức khỏe cho nhân dân huyện Mê Linh, tháng 5-2023
Lãnh đạo TP. Hà Nội cùng Bộ Y tế theo dõi quá trình khám sức khỏe cho nhân dân huyện Mê Linh, tháng 5-2023

Hàng loạt bệnh viện tuyến huyện được xây dựng mới hoặc nâng cấp

Sau khi mở rộng thế giới hành chính vào tháng 8-2008, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã đặt ra cho ngành Y tế Thủ đô nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là ô nhiễm môi trường, một số dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, thủy đậu… tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, hệ thống cơ sở y tế chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Hơn nữa, thời điểm bấy giờ, nguồn nhân lực y tế còn thiếu, trong khi đó dân số Hà Nội sau khi mở rộng tăng nhanh nên cũng cần phải tăng số lượng bác sĩ, điều dưỡng…

Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt của ngành y tế Thủ đô 15 năm qua là củng cố, nâng cao hệ thống y tế cơ sở. Đến nay, Hà Nội đã đạt được kết quả ấn tượng là có 100% Trạm y tế có bác sĩ công tác, bao gồm 86,3% Trạm y tế có bác sĩ biên chế, phần còn lại có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế và bệnh viện huyện.

Mặt khác, ngành Y tế không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng các chính sách khuyến khích cán bộ y tế có trình độ cao về công tác tại khu vực khó khăn.

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, một trong những bước chuyển mình dễ nhận thấy của ngành Y tế Thủ đô là hàng loạt cơ sở y tế tuyến huyện được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa), nếu như năm 2008 chỉ có 230 giường bệnh, thì đến năm 2023 đã tăng lên 420 giường bệnh. Từ năm 2011, bệnh viện đã được nâng hạng từ hạng III lên hạng II. Những năm gần đây các y, bác sĩ của bệnh viện đã điều trị thành công nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, phức tạp mà không phải chuyển tuyến.

Ngay ở một huyện khá khó khăn như Ba Vì, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, nhưng đã thực hiện khám cho hơn 120.000 lượt bệnh nhân; tổng số điều trị ngoại trú là hơn 18.000 lượt người bệnh; số bệnh nhân điều trị nội trú là gần 10.000 lượt.

Ông Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cho biết, gần đây bệnh viện đã triển khai mạnh mẽ công tác tin học hóa, ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, bệnh viện chú trọng triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó để hạn chế chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân như: Phẫu thuật thay khớp háng; phẫu thuật khớp gối; phẫu thuật lấy sỏi, tán sỏi niệu quản nội soi...

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi niệu quản tại BV Đa khoa huyện Ba Vì
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi niệu quản tại BV Đa khoa huyện Ba Vì

Đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu

Song song với việc nâng cấp hệ thống y tế tuyến huyện, xã, ngành y tế Hà Nội cũng đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu cùng với việc đổi mới phong cách, tinh thần phục vụ người bệnh, nhằm đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần người dân hơn.

Công tác khám chữa bệnh của ngành y tế Hà Nội được triển khai tại 2 khối cơ sở y tế công lập (41 bệnh viện) và ngoài công lập (3.953 cơ sở khám chữa bệnh); tổng số giường bệnh của Hà Nội đạt 22.796 giường, tương ứng với tỷ lệ 27,5 giường bệnh/vạn dân.

Trong báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, thời gian qua, ngành đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện như: chuyên ngành gây mê hồi sức với kỹ thuật ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang;

Chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh với can thiệp mạch điều trị khối u, cắt hớt niêm mạc đường tiêu hóa điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; chuyên ngành ngoại khoa làm chủ kỹ thuật ghép thận, ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật vi phẫu, chỉnh hình xương tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; hay can thiệp bào thai với nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu trong song thai và dải xơ buồng ối, truyền dịch buồng ối tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội…

Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin, các bệnh viện tuyến thành phố đang tích cực hợp tác quốc tế và trong nước để tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ y học mới trong chẩn đoán và điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện cũng chủ động phối hợp với các bệnh viện tuyến thành phố để nâng cao kỹ thuật tại đơn vị. Phẫu thuật nội soi được thực hiện thường quy tại các bệnh viện tuyến huyện.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, với sự quan tâm đặc biệt của thành phố trong 15 năm qua, ngành Y tế Hà Nội đã và đang có cơ hội thuận lợi để trong thời gian gần nhất, ngành sẽ có một diện mạo mới và những công trình bệnh viện thông minh, hiện đại phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô.

Từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội cần đạt chỉ tiêu 30-35 giường bệnh/vạn dân. Để đạt được mục tiêu này, bà Hà cho biết, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các dự án xây dựng mới các bệnh viện theo quy hoạch đã đề ra; đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các bệnh viện cũ, tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế; đẩy mạnh triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị.

Dù những khó khăn, thách thức còn nhiều, song cán bộ, nhân viên y tế Thủ đô tin tưởng rằng, chặng đường sau 15 năm hợp nhất là khởi sắc và sẽ tạo đà cho y tế Thủ đô nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong những năm tiếp theo.