Ngang nhiên xây nhà trên đất người khác

ANTĐ - Mua một mảnh đất, thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc mua bán và cấp “sổ đỏ”, thế nhưng anh Nguyễn Văn Phượng tá hỏa khi phát hiện có kẻ lạ “nhảy dù” vào thửa đất của mình và ngang nhiên… xây nhà. Suốt 2 năm vác đơn đi khắp các cửa để nhờ pháp luật “tống khứ” vị “khách không mời mà đến”, anh Phượng chỉ nhận được sự hững hờ của các cơ quan có trách nhiệm.

Ngôi nhà cấp 4 bà Kỷ xây dựng trên phần đất không phải của mình


Quýt làm cam chịu

Đó là câu chuyện bi hài đang diễn ra tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn mà người bị thiệt hại là vợ chồng anh Nguyễn Văn Phượng - Đào Thúy Lan hiện trú tại tổ 8, cụm 2 phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội. Theo trình bày của anh Phượng thì mảnh đất này nguyên là của ông Đào Duy Đích, một người dân cùng thôn và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp “sổ đỏ”.

Sau đó ông Đích đã thỏa thuận đổi đất (bằng giấy tờ viết tay) với gia đình bà Dương Thị Kỹ và con trai là Dương Văn Sáng. Tiếp đó bà Kỹ nhờ ông Đích đứng tên làm thủ tục chuyển nhượng mảnh đất này cho chủ thứ 3 là ông Kiều Văn Hưng. Cơ quan có thẩm quyền đã xác nhận cấp sổ đỏ mới mang tên ông Hưng. Từ ông Hưng, việc chuyển nhượng, mua bán được thực hiện qua nhiều chủ khác nữa và tới vợ chồng anh Phượng, chị Lan là chủ cuối cùng. Anh Phượng chị Lan đã có thể sinh sống trên mảnh đất này nếu không có chuyện bỗng dưng bà Kỹ cùng con trai ngang nhiên “nhảy dù” vào mảnh đất đã không còn thuộc quyền sử dụng của mình để… xây chuồng trại nuôi vịt và nhà ở.

Nguồn cơn của hành động trên bắt đầu từ việc vay nợ của gia đình bà Kỹ với ông Hưng (người chủ thứ 3 của mảnh đất). Theo đó, khi nhờ ông Đích đứng tên bán đất cho ông Hưng, bà Kỹ đã đồng ý cho ông Hưng nợ lại một khoản tiền là 200 triệu đồng lấy lãi. Nhưng trớ trêu ở chỗ, chỉ trả lãi được 3 tháng thì ông Hưng đánh bài chuồn. Lúc này, bà Kỹ đi tìm tung tích ông Hưng nhưng không được. Thay vì tố cáo ông Hưng quỵt nợ ra cơ quan công an bà Kỹ lại cho rằng, ông Hưng không chịu trả tiền bà thì bà sẽ lấy lại mảnh đất đã bán cho ông ta để trừ vào khoản nợ. Bà Kỹ đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng, mảnh đất nói trên đã không thuộc quyền sử dụng của bà nữa. Khi bà đặt bút ký vào hồ sơ chuyển nhượng và UBND huyện Sóc Sơn đã cấp “sổ đỏ” cho ông Hưng thì việc mua bán giữa bà với ông Hưng đã hoàn thành, được pháp luật thừa nhận. Bây giờ qua nhiều giao dịch mua bán khác, nó đã thuộc quyền sử dụng của vợ chồng anh Phượng, chị Lan và việc bà ngang nhiên vào đất người khác xây nhà để ở là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Giải quyết thiếu trách nhiệm

Công bằng mà nói, nếu UBND xã Minh Phú xem xét nghiêm túc và giải quyết dứt điểm sự việc này ngay từ đầu thì câu chuyện sẽ không quá rắc rối và kéo dài đến tận 2 năm trời khiến cho vợ chồng anh Phượng phải chồn gối, mỏi mồm kêu cứu khắp nơi. Anh Phượng cho biết: “Sau khi tìm mua được mảnh đất này, vì gia đình tôi sống chủ yếu bên nội thành Hà Nội nên ít có điều kiện sang thăm nom. Đến 27-8-2010, tôi sang dọn dẹp thì phát hiện gia đình bà Kỹ đã đập phá tường rào mảnh đất của tôi để tiến hành xây dựng. Tôi yêu cầu bà Kỹ dừng ngay việc xây dựng trái phép này và gửi đơn ra UBND xã kêu cứu. UBND xã có mời 2 gia đình lên giải quyết nhưng bà Kỹ nhất định không chịu. Gần 1 tháng sau, chính quyền tiếp tục mời cả 2 bên lên để làm việc trong đó có ghi rõ: “Yêu cầu gia đình bà Kỹ dùng ngay việc xây dựng công trình đang xây dựng trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của anh Phượng” nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Còn gia đình bà Kỹ thì tranh thủ chỉ trong vài ngày đã hoàn thành xong việc “nhảy dù” vào đất của người khác”.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Ngọc Oanh - Chủ tịch xã Minh Phú thừa nhận: “Việc bà Kỹ cố tình xây dựng trên phần đất của anh Phượng là sai hoàn toàn”. Tuy nhiên khi được hỏi, tại sao biết việc làm sai mà UBND xã không tiến hành đình chỉ và ra quyết định cưỡng chế đối với bà Kỹ ngay từ khi nó mới hình thành? Ông Oanh cho rằng: Sau khi hòa giải với các bên không có kết quả, chúng tôi đã làm văn bản báo cáo UBND huyện để giải quyết. 

Có thể thấy cách xử lý vấn đề của UBND xã Minh Phú không sai, nhưng rõ ràng là chưa hết trách nhiệm. Chính vì hờ hững, “đá bóng” trách nhiệm lên cấp trên suốt một thời gian dài đã đẩy người có quyền lợi bị xâm hại phải kêu cầu suốt 2 năm mà không mang lại kết quả, đồng thời đã tạo điều kiện cho những vi phạm pháp luật ăn sâu, bén rễ gây nên những tiền lệ xấu tại địa bàn. 

Nhận định trước câu chuyện này, luật sư Nguyễn Văn Hà, Văn phòng luật sư Hà Lan và cộng sự cho rằng: “Có thể khẳng định, việc làm của bà Kỹ “nhảy dù”, dựng nhà trên phần đất của anh Phượng có dấu hiệu rõ ràng của hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo điều 141 Bộ luật Hình sự. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể tiến hành khởi tố vụ án. Mặt khác việc xử lý những vi phạm nói trên hoàn toàn nằm trong tầm tay và thẩm quyền của UBND huyện Sóc Sơn. Với việc chiếm đất, tự ý xây dựng công trình trên phần đất không phải của mình, UBND huyện có thể ra văn bản hành chính yêu cầu đương sự tự tháo dỡ. Nếu bà Kỹ không chấp hành, UBND huyện có quyền ra quyết định và tổ chức cưỡng chế. Việc nhận định đây là vụ tranh chấp đất đai để tiếp tục “đá bóng” sang tòa án là chưa chính xác”.