Ngân sách cần chi bao nhiêu tiền khi hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu nâng trợ cấp từ 360.000 lên 500.000 đồng/người/tháng và giảm độ tuổi thụ hưởng từ 80 xuống 75, ngân sách dự kiến chi 30.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2030.
Đề xuất người già từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu lẫn trợ cấp sẽ được nhận tiền hàng tháng

Đề xuất người già từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu lẫn trợ cấp sẽ được nhận tiền hàng tháng

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chính phủ đã có tờ trình số 361/TTrCP và hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Liên quan đến nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo bổ sung đánh giá tác động của các chính sách trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tác động đến nguồn ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội khi bổ sung một số chế độ.

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, người già từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu lẫn trợ cấp sẽ được nhận tiền hàng tháng, cùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí từ ngân sách nhà nước. Quy định hiện nay phải từ 80 tuổi mới được nhận. Mức trợ cấp do Chính phủ quy định tùy từng thời kỳ, nhà nước khuyến khích địa phương cân đối ngân sách trong khả năng và huy động các nguồn lực để hỗ trợ thêm.

Cả nước có khoảng 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Khi giảm độ tuổi từ 80 xuống 75 sẽ có thêm gần 800.000 người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Nếu mức trợ cấp hàng tháng 360.000 đồng/tháng như hiện hành, kinh phí dự kiến giai đoạn 2025-2030 là 20.500 tỷ đồng chi trả trợ cấp và 1.000 tỷ đồng thẻ BHYT miễn phí. Nếu nâng mức trợ cấp lên 500.000 đồng mỗi tháng, ngân sách nhà nước chi trả tăng lên 30.000 tỷ đồng.

Bộ LĐ-TB&XH ước tính 800.000 người cao tuổi được thụ hưởng chính sách khi luật có hiệu lực, tháng 7/2025. Dự kiến cả nước có 1,24 triệu người già 75-80 tuổi vào năm 2025, tăng lên 1,31 triệu năm 2030.