Ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh chồng dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngoài số mắc Covid-19 đang có chiều hướng tăng trở lại, hiện nay còn có ít nhất 3 dịch bệnh khác cùng có nguy cơ bùng phát là sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng… Đó là chưa kể đến bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, chưa bao giờ tại nước ta phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh chồng dịch bệnh như lúc này.

Đã có bệnh nhân đồng nhiễm Covid-19 với sốt xuất huyết hoặc cúm

Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 7 này, số bệnh nhân nghi nhiễm cúm vào khám, sàng lọc và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã lên đến gần 1.100 ca, chiếm tới 52,8% tổng số bệnh nhân nghi nhiễm cúm tới khám tại viện này trong 6 tháng đầu năm. Trong số bệnh nhân mắc cúm thì gần một nửa là nhóm trẻ em dưới 5 tuổi, tiếp theo là nhóm 18-39 tuổi chiếm tới 40%...

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu tháng 7 đến nay đã có gần 100 bệnh nhi mắc cúm A được chỉ định nhập viện. TS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nhiều trường hợp lúc đầu mắc cúm, sau khoảng vài ngày bắt đầu viêm phổi do vi khuẩn. Một biến chứng cũng nguy hiểm gần đây cũng xuất hiện nhiều hơn là viêm não sau khi mắc cúm. Không chỉ cúm A tăng mà số ca mắc Covid-19 cũng đang tăng trở lại, số ca biến chứng nặng tăng nhanh hơn. Đặc biệt trong ngày 29-7, cả nước ghi nhận tới 1.806 ca Covid-19 mới, đây là ngày có số ca nhiễm tăng cao nhất trong 75 ngày qua. Tại các bệnh viện đã ghi nhận không ít bệnh nhân đồng nhiễm Covid-19 với cúm A. Một dịch bệnh khác cũng đang ghi nhận số ca mắc tăng nhanh là sốt xuất huyết (SXH).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia về phòng chống dịch bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia về phòng chống dịch bệnh

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, phụ trách công tác chống dịch của Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, vấn đề đáng lo ngại nhất ở thời điểm này là đã có hiện tượng “dịch chồng dịch”. Đáng chú ý, tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận bệnh nhân rất nguy kịch khi mắc đồng thời cả Covid-19 và SXH. Bệnh nhân là nam, 35 tuổi, được đưa tới cấp cứu trong tình trạng đau đầu, sốt cao và co giật. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã sốt ngày thứ hai, có lúc lên tới 40 độ C, test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được tầm soát và ghi nhận thêm bệnh nền SXH đang diễn biến trong khoảng từ 1-5 ngày.

Các bác sĩ cho biết, việc cùng lúc lưu hành nhiều bệnh dịch truyền nhiễm như Covid-19, cúm, SXH… khiến cho tình trạng nhầm lẫn triệu chứng bệnh rất dễ xảy ra bởi đây đều là các bệnh do virus, hậu quả là người bệnh nhập viện muộn, dễ điều trị sai lầm và nếu đồng nhiễm nhiều bệnh cùng lúc thì tình trạng càng nặng hơn. Chẳng hạn một bệnh nhân mắc SXH đơn thuần sẽ thấy mệt mỏi, sốt cao nhưng nếu kèm theo mắc Covid-19 thì triệu chứng sẽ nặng hơn, phải điều trị kéo dài.

Bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập chỉ là vấn đề thời gian

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu với bệnh đầu mùa khỉ, do bệnh đang lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới và đến nay đã ghi nhận trên 16.000 ca nhiễm. Hiện các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc cũng đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Việt Nam được WHO xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh nhưng nguy cơ dịch xâm nhập là rất lớn. Bác sĩ Đỗ Hồng Hiên - chuyên gia dịch tễ của Tổ chức WHO tại Việt Nam cho rằng, hiện Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. Ông Eric Dzuiban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đánh giá, tại Việt Nam, nếu có xuất hiện đậu mùa khỉ thì không phải điều ngạc nhiên khi đã mở cửa du lịch quốc tế.

Hiện tại, Việt Nam đang kích hoạt hàng loạt các biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế đang xây dựng các kịch bản để khi có ca bệnh thì không bị động. Ngày 29-7, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người, trong đó nêu rõ các giai đoạn của bệnh đậu mùa khỉ, các nhóm đối tượng nguy cơ cao, quy định người mắc bệnh đậu mùa khỉ phải cách ly tối thiểu 14 ngày... Điều đáng lo ngại, bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sư̛ng hạch ngoại vi. Các triệu chứng này cũng khá giống với triệu chứng của một số bệnh dịch khác đang lưu hành hiện nay là bệnh đậu mùa, thủy đậu, tay chân miệng và Herpes lan tỏa, do đó cũng rất dễ nhầm lẫn hoặc khó khăn trong phát hiện sớm bệnh.

Có thể nói, tình trạng dịch bệnh chồng dịch bệnh đang khiến cho công tác phòng chống dịch trở nên khó khăn hơn và diễn biến phức tạp hơn.

Phân biệt bệnh sốt xuất huyết, Covid-19 và cúm A

Theo các bác sĩ, những bệnh truyền nhiễm như cúm A, sốt xuất huyết và Covid-19 có thể phân biệt qua dịch tễ, đường lây truyền và các triệu chứng. Cụ thể:

- Với Covid-19: Thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày, các triệu chứng phổ biến như ho, sổ mũi, hụt hơi, tức ngực và có thể mất khứu giác, vị giác. Người bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ 36,5 - 37,5 độ C.

- Đối với cúm A: Thời gian ủ bệnh từ 1 - 3 ngày. Cúm A thường có các triệu chứng như ho, sổ mũi, đau đầu, hắt hơi, đau nhức cơ thể. Với cúm A người bệnh thường sốt từ 38 - 38,5 độ C.

- Sốt xuất huyết Dengue: Thời gian ủ bệnh từ 4 - 14 ngày. Bệnh nhân SXH thường không có triệu chứng ho, sổ mũi, hụt hơi tức ngực mà có biểu hiện đặc trưng như xuất huyết chấm trên da, bầm chảy máu cam. Bệnh nhân SXH thường sốt cao hơn, từ 39 - 40 độ C.

Phân biệt đậu mùa khỉ với thủy đậu, tay chân miệng, Herpes lan tỏa

Nhận biết bệnh đậu mùa khỉ qua nốt phỏng nước

Nhận biết bệnh đậu mùa khỉ qua nốt phỏng nước

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh khác như đậu mùa, thủy đậu, tay chân miệng và Herpes lan tỏa do các bệnh này cùng có triệu chứng là nổi ban, mụn nước. Cách phân biệt như sau:

- Đậu mùa khỉ: Nốt ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng. Ban xuất hiện cùng lứa tuổi, cùng thời điểm; nốt phỏng nước đơn lẻ hoặc có thể tạo thành đám tổn thương trên da.

- Đậu mùa: Nốt ban xuất hiện theo trình tự: mặt - bàn tay, cẳng tay - thân mình. Ban xuất hiện sau 2-3 ngày đầu.

- Thủy đậu: Ban xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan khắp ra cơ thể. Ban xuất hiện đa lứa tuổi, thời gian khác nhau.

- Tay chân miệng: Loét miệng, phát ban trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Ban xuất hiện đa lứa tuổi, một số phát ban không rõ ràng hoặc chỉ loét miệng.

- Herpes lan tỏa: Thường xuất hiện vùng niêm mạc miệng, sinh dục sau đó nhanh chóng lan ra toàn thân. Các mụn nước tập trung thành chùm, đau rát, nhanh vỡ.

So với 4 bệnh còn lại, ban trong bệnh đậu mùa khỉ tiến triển chậm, đây là điểm khác biệt. Kích thước ban của đậu mùa khỉ hay thủy đậu giống nhau, từ 5 - 10mm, trong khi ban của tay chân miệng hay Herpes lan toả nhỏ hơn, chỉ 2 - 3mm. Ban của bệnh đậu mùa khỉ cũng tồn tại lâu hơn, tới 2 - 4 tuần, trong khi ban thủy đậu sẽ biến mất sau 1 - 2 tuần, ban của tay chân miệng chỉ tồn tại dưới 7 ngày còn ban Herpes lan tỏa nhanh chóng vỡ sau 3 - 4 ngày.

Không chủ quan với bất cứ dịch nào

Nếu như dịch SXH bùng phát thời điểm này là điều bình thường vì đúng mùa cao điểm, thì việc dịch cúm tăng mạnh ở giữa mùa hè hiện nay là trái mùa, bởi thông thường bệnh cúm A thường tăng mạnh vào mùa đông xuân. Lý giải hiện tượng này, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, cần lưu ý tới yếu tố thời tiết cực đoan, nóng lạnh thất thường, lúc mưa to, khi nắng nóng. Đây là điều kiện tạo cơ hội cho các mầm bệnh phát triển, đặc biệt là cúm A - một bệnh lý hô hấp virus phổ biến.

TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội phân tích, do trải qua thời kỳ giãn cách dài, các hoạt động thể dục thể chất gián đoạn, sức đề kháng hậu Covid-19 của người dân yếu đi, hiệu lực các mũi vaccine giảm theo thời gian. “Tất cả đã mở đường cho sự trở lại của các loại dịch bệnh. Covid-19 chỉ là một trong số đó, bên cạnh là cúm mùa, tiêu chảy, sốt xuất huyết, viêm não, tay chân miệng…” - TS Nguyễn Việt Hùng nói.

Theo các chuyên gia dịch tễ, trong bối cảnh dịch chồng dịch hiện nay, chúng ta không được phép chủ quan với bất cứ dịch bệnh nào. Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm cần tiếp tục truyền thông về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vaccine; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bằng kết hợp các phương pháp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân. Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường. Cùng đó, cần tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính… cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh. Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.