Ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm: Kỳ hạn dài hưởng lãi suất cao
(ANTĐ) - Sau nhiều lần cắt giảm, các ngân hàng thương mại lại “rục rịch” điều chỉnh tăng mức lãi suất tiền gửi. Mức điều chỉnh tăng mạnh nhất lên tới 1%. Các ngân hàng cho biết, việc điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút nguồn vốn dồi dào, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng trong thời gian tới.
Ocean Bank chỉ điều chỉnh tăng nhẹ (mức tăng từ 0,2-0,7%) lãi suất tiền gửi với các kỳ hạn tiết kiệm từ 9 tháng trở lên, nhưng sau điều chỉnh, lãi suất huy động của ngân hàng đang dẫn đầu trên thị trường.
Mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này là 8,2%/năm, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 12-60 tháng. Ngoài gói tiết kiệm thông thường, ngân hàng này còn áp dụng mức lãi suất 7,7% cho các kỳ hạn tiền gửi 12, 13, 18 và 24 tháng của sản phẩm tiết kiệm rút gốc linh hoạt - lãi theo thời gian thực gửi.
Trong số các ngân hàng vừa thông báo tăng lãi suất huy động, Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) có sự điều chỉnh tương đối mạnh ở hầu hết các kỳ hạn gửi với mức tăng thấp nhất là 0,15%/năm (cho các kỳ hạn 3 và 4 tháng) và cao nhất tới 1%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng.
Các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để chuẩn bị nguồn vốn cho vay |
Cụ thể, không kỳ hạn là 3%/năm, 1 tuần là 3,8%/năm, 1 tháng 6,8%/năm, 3 tháng 7,15%/năm, 6 tháng và 9 tháng là 7,3%/năm, 12 tháng và 24 tháng 7,6%/năm và cao nhất là 7,8%/năm ở kỳ hạn 36 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ). Với số tiền gửi trên 1 tỷ đồng, thời hạn gửi là 36 tháng, khách hàng gửi tiền sẽ được hưởng mức lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này là 8%/năm.
Ngày 14-2, DaiABank cũng bắt đầu áp dụng khung lãi suất huy động mới với mức tăng từ 0,2% đến 0,45%/năm. Chỉ có các kỳ hạn từ 3 tháng đến 18 tháng được điều chỉnh tăng (cụ thể, kỳ hạn 3 tháng: Tăng từ 7,1% lên 7,3%; 6 tháng: Tăng từ 7,15% lên 7,5%; 9 tháng: Tăng từ 7,2% lên 7,55%; 12 tháng: Tăng từ 7,25% lên 7,7%; 13 tháng: Tăng từ 7,3% lên 7,75% và 18 tháng tăng từ 7,35% lên 7,8%).
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua có xu hướng tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn, tuy nhiên mức tăng không nhiều (chủ yếu dưới 0,1%/năm), riêng kỳ hạn 1 tháng có mức tăng nhiều nhất lên tới 0,85%/năm. Lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn 12 tháng cao nhất, lên tới 8,17%/năm. Cuối tháng 1-2009, số dư tiền gửi VND của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã giảm 0,47%. |
Mới đây, Sacombank và VIB cũng công bố tăng mức lãi suất huy động.
So sánh mức lãi suất tiết kiệm giữa các kỳ hạn gửi ở các ngân hàng có sự điều chỉnh tăng ở trên có thể thấy, khi gửi tiền với kỳ hạn dài khách hàng được hưởng mức lãi suất hấp dẫn hơn.
Điều này chứng tỏ, các ngân hàng đang cần huy động một lượng vốn lớn trong thời gian dài để chuẩn bị cho các kế hoạch tín dụng và nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đang từng bước được giải ngân. Hơn nữa việc tăng lãi suất tiết kiệm cũng giúp các ngân hàng giữ chân khách hàng.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc VPBank cho biết: “Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm, VPBank dành nguồn vốn khoảng 6.000 tỷ đồng để cho vay có hỗ trợ lãi suất. Việc điều chỉnh lãi suất là để phù hợp với diễn biến thị trường nhằm chuẩn bị nguồn vốn dồi dào, đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng”.
Anh Tú