Ngân hàng Nhà nước sẽ "can thiệp sớm" nếu một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, khi một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả, sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm"…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại phiên họp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại phiên họp

Chiều 9-5, phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi.

Trình bày Tờ trình dự thảo luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ một số nội dung đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật lần này như: sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại TCTD...

Đặc biệt, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt…

"Việc xây dựng Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của NHNN, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo" - bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Dự thảo luật cũng bổ sung, sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng được NHNN "can thiệp sớm" và bổ sung thẩm quyền của NHNN trong trường hợp can thiệp sớm. Cụ thể một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm". Ngân hàng nào có lỗ luỹ kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thảo luận tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thảo luận tại phiên họp

Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật này với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật.

Riêng cơ chế ứng phó trong trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các biện pháp nêu tại dự thảo luật này chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ “bên ngoài” (chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước), mà chưa có những biện pháp “tự thân” của tổ chức tín dụng. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa nội dung này.

Thảo luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính cho biết, về xử lý tài sản đảm bảo thông qua nội luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42, cơ quan soạn thảo đã đưa ra quy định về ưu tiên thanh toán, thuế. Bộ Tài chính đã kiến nghị tính toán thật kỹ, ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng trước, phân biệt rõ các loại thuế để có phương án sắp xếp giải quyết phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long góp ý tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long góp ý tại phiên họp

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cũng góp ý về các quy định xử lý nợ xấu tại Chương 11 dự thảo luật.

Cụ thể, để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, ông Long đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh lý lại quy định nợ xấu theo hướng chỉ khoanh vùng đối với khoản nợ xấu hình thành do các nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, khó khăn chung của nền kinh tế, không áp dụng đối với khoản nợ xấu hình thành từ ý thức chủ quan của những hành vi vi phạm quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến vào dự thảo luật

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến vào dự thảo luật

Cho ý kiến về nội dung dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi rộng lớn nên các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội phải cùng nhau chung sức, lắng nghe để hoàn thiện.

Riêng về quản lý nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu luật hóa các quy định trong nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong quản lý tài chính ngân hàng; tính toán lại quy định về hệ thống thanh tra kiểm soát bên ngoài, phải nghiên cứu hệ thống thanh tra giám sát độc lập và thống nhất…