Phó Chủ tịch Quốc hội: Báo cáo tăng trưởng kinh tế cần đánh giá đúng thực chất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo cáo của Chính phủ chỉ ra nhiều tín hiệu tích cực về kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2023, song theo các ý kiến đại biểu Quốc hội, nhiều tồn tại, yếu kém từ nội tại nền kinh tế đang ngày càng bộc lộ rõ…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo

Sáng nay, 9-5, tại phiên họp thứ 23, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai năm 2023.

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của nước ta ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn.

Dù vậy, bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực.

Các tổ chức quốc tế có uy tín như IMF, WB, OECD,… tiếp tục dự báo triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp. Các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể, cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 này là vô cùng khó khăn.

Ủy ban Kinh tế nêu rõ, những khó khăn, thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt đến từ cả yếu tố bên ngoài và bên trong, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ở trong nước, những tồn tại, yếu kém từ nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ ràng, nhất là liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế...

“Đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội”- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ, nhất là nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp phù hợp.

Trưởng Ban Công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Thanh phát biểu thảo luận

Trưởng Ban Công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Thanh phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận về nội dung này tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, 3 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh quốc tế khó lường và nhiều thách thức, chúng ta có tốc độ tăng trưởng không cao. Dự báo cho thấy tăng trưởng trong Quý II năm nay cũng gặp khó khăn, tính khả thi trong việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra là không cao.

Dù vậy, nhìn một cách khách quan, lạm phát đang được kiểm soát ở mức phù hợp, dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới tiếp tục tăng cao, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp quốc tế.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ những vướng mắc trong thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản; đẩy mạnh phân cấp phân quyền; khẩn trương ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho ý kiến vào báo cáo

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho ý kiến vào báo cáo

Cho ý kiến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thẳng thắn chỉ ra, báo cáo của Chính phủ có nhiều “màu hồng” trong khi đó phân tích về tồn tại, hạn chế, đặc biệt phân tích về nguyên nhân không rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước, không phải tăng trưởng giảm đột ngột từ 8,2 xuống 3,3%, mà từ cuối quý III, quý IV/2022 đã có xu hướng giảm, do vậy cần phân tích những tồn tại một cách khoa học, chặt chẽ và đầy đủ hơn.