Ngân hàng Nhà nước lý giải vì sao phải áp trần lãi suất, room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc sử dụng trần lãi suất huy động là cần thiết để tránh cuộc đua lãi suất, đẩy các ngân hàng nhỏ vào tình trạng nguy hiểm.

Trong kiến nghị mới đây, cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nên điều hành bằng các mệnh lệnh hành chính, không can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng như áp đặt lãi suất trần tiền gửi, phân phối và quản lý room tín dụng.

Trả lời cử tri, NHNN cho rằng các biện pháp trên là phù hợp trong điều kiện hiện tại.

Trong đó, về lãi suất trần tiền gửi, NHNN cho biết, hiện nay năng lực tài chính, quản trị, điều hành giữa các tổ chức tín dụng chưa đồng đều, hệ thống tổ chức tín dụng đang tiếp tục tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Đồng thời, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế. Khi nhu cầu tín dụng lớn, tăng nhanh thì tự do cạnh tranh sẽ dẫn đến cuộc đua gia tăng lãi suất huy động. Các ngân hàng nhỏ hơn thường có sức cạnh tranh yếu hơn có thể sẽ bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm khi buộc phải tham gia cuộc đua này.

“Do đó, việc sử dụng có chọn lọc biện pháp hành chính như trần lãi suất tiền gửi là cần thiết, đã và đang phát huy tác dụng, tạo chốt chặn an toàn cho thị trường tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh thực tế hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã và đang có những diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhanh và mạnh, các ngân hàng trong nước cũng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian qua” – NHNN cho biết.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần áp dụng trần lãi suất huy động để tránh cuộc đua lãi suất

Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần áp dụng trần lãi suất huy động để tránh cuộc đua lãi suất

Về quản lý hạn mức tín dụng, theo cơ quan quản lý, trong bối cảnh áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng, tỷ lệ tín dụng/GDP tại Việt Nam ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính, nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo tỷ lệ này.

Chẳng hạn, theo WB, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 187% - là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.

Vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng, gây thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát...

“Do đó, tăng trưởng tín dụng quá cao không chỉ tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế mà còn gia tăng rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến những hệ lụy phải xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là cần thiết và phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô” – NHNN nhấn mạnh.

Cũng theo NHNN, tại Hội thảo với các chuyên gia kinh tế và Hội nghị về công tác điều hành tín dụng tháng 9/2022, hầu hết các chuyên gia và TCTD đồng thuận đánh giá các giải pháp điều hành tín dụng thời gian qua của NHNN là hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đặc thù của Việt Nam; trong bối cảnh hiện nay thì không có giải pháp nào hiệu quả hơn để đạt được các mục tiêu quan trọng hàng đầu, xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống.

“Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vai trò, tác động của công cụ hạn mức tín dụng để hoàn thiện giải pháp về điều hành tín dụng phù hợp, hiệu quả cho năm 2023” – NHNN cho biết thêm.