Tăng trưởng tín dụng sẽ giảm tốc trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa công bố "room" tín dụng trong năm 2023, song nhiều nhận định cho rằng con số này sẽ thấp hơn năm 2022.

Tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại

Trong năm 2022, tín dụng hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng 14,5%, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái (+13,6%).

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia Chứng khoán VNDirect, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12; trong khi 6 tháng đầu năm đã tăng 9,5% so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2022 và kể cả trong các năm tới.

Do vậy, các chuyên gia của VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.

Các chủ đầu tư cũng sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.

Cùng với đó, một trong những trụ cột tăng trưởng chính là xuất khẩu cũng sẽ giảm tốc và đạt 9,5% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao cũng là nguyên nhân kìm hãm đà tăng của tín dụng. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, song các chuyên gia nhận thấy lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng…

Cuối cùng, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số LDR (tỉ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ chậm lại trong năm nay

Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ chậm lại trong năm nay

Cùng quan điểm, các chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset dự báo tín dụng năm 2023 sẽ tăng trưởng dưới mức 14% như mục tiêu năm 2022.

Theo Mirae Asset, trước mắt, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu. Ở khía cạnh tích cực, thu hút FDI duy trì góp phần làm dịu tỷ giá hối đoái ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.

Mặt khác, động thái tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2 điểm %, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngỏ, và triển vọng kinh tế chưa khả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản.

Do các lo ngại về kinh tế vĩ mô cũng như áp lực lạm phát, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro tập trung. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng kênh tín dụng bán lẻ vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.

Cũng trong một báo cáo của mình, các chuyên gia phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay sẽ vào khoảng 11-12%.

Nguyên nhân cũng được chỉ ra là do: Nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm; Quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.

NHNN sẽ cân nhắc thận trọng

Trên thực tế, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đang đặt ra “bài toán hóc búa” trong điều hành tín dụng năm 2023.

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt hơn gấp đôi tăng trưởng huy động vốn đã gây nhiều sức ép với ngành ngân hàng. Do đó, phía NHNN cho rằng việc đưa ra chỉ tiêu tín dụng năm 2023 sẽ được cơ quan này tính toán thận trọng.

Cùng với áp lực lạm phát lớn thì việc tỷ lệ đòn bẩy tín dụng cao của Việt Nam cũng khiến ngành ngân hàng phải thận trọng trong điều hành tín dụng, tránh gây rủi ro hệ thống.

“Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ đòn bẩy tín dụng cao nhất thế giới (tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP lên tới 124%). Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm kéo dài thời gian tới thì tín dụng luôn tăng trưởng gấp đôi GDP, khiến tỷ lệ đòn bẩy tín dụng càng tăng cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng” - ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nói.

Do đó, theo NHNN, chỉ tiêu tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN cân nhắc thận trọng. “Quan điểm xuyên suốt của NHNN là cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát”, ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.