Áp lực lãi suất và bài toán "cân não" trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bài toán lãi suất ngân hàng năm 2023 đang đối mặt hàng loạt thách thức trước các áp lực lớn như thâm hụt cán cân vãng lai, lộ trình tăng lãi suất của Fed và lạm phát trong nước.

Nhiều dự báo lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng

Cho đến thời điểm này, đa phần các dự báo đều cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất điều hành trong năm 2023.

Trong báo cáo chiến lược mới năm 2023 mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Hơn nữa, Fed vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%.

Vì vậy, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá với dự báo thặng dư thương mại chưa khả quan trong quý IV/2022, trong khi dự trữ ngoại hối cần được hạn chế sử dụng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong dài hạn.

Cùng nhận định, Công ty chứng khoán Tienphong (TPS) cho hay, trong thời gian tới, ngoài yếu tố thâm hụt cán cân vãng lai, thì các hành động của Fed và lạm phát trong nước sẽ có tác động khá lớn tới sự điều hành lãi suất của NHNN.

Vì vậy, sắp tới, khả năng NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành là rất cao. “Năm 2023, Fed có thể có 2 đến 3 lần tăng lãi suất, tức là NHNN có khả năng cũng phải tăng lãi suất điều hành thêm 2 – 3 lần, trung bình mỗi lần khoảng 1%. Đỉnh lãi suất điều hành có thể sẽ rơi vào giữa quý II/2023, với mức tăng từ 2 - 3 điểm phần trăm so với mức lãi suất điều hành hiện tại”, nhóm nghiên cứu của TPS nhận định.

Không chỉ các công ty chứng khoán mà nhiều ngân hàng, tổ chức quốc tế cũng dự báo lãi suất điều hành của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Các chuyên gia Ngân hàng HSBC dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm phần trăm trong quý I/2023 và quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.

Standard Chartered dự báo, NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm vào quý I/2023, sau đó giữ nguyên đến cuối 2024 nhằm duy trì sự ổn định. Tương tự, Ngân hàng UOB cũng cho rằng khả năng NHNN sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023 và có thể tạm ngừng từ đó.

Nhiều dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023

Nhiều dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023

Doanh nghiệp đang kinh doanh dưới áp lực lãi vay ghê gớm

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, năm 2023, áp lực lạm phát, tỷ giá là không đáng lo, song thách thức lớn nhất là lãi suất. Ông cho rằng hiện nay, lạm phát Việt Nam thấp, tiền đồng mất giá gần thấp nhất thế giới, song lãi suất lại ở nhóm cao nhất thế giới.

Nhìn vào lãi suất thực, tức là lãi suất đã trừ đi lạm phát thì lãi suất tiền gửi hiện khoảng 9,4%/năm, trừ đi lạm phát bình quân 3,15%, như vậy lãi suất tiền gửi thực dương hơn 6,2%; lãi suất cho vay bình quân 12,5%/năm (kỳ hạn 1 năm), trừ đi lạm phát thì ra lãi suất thực là 9,35%/năm.

Trong khi đó, tại Mỹ, lạm phát năm 2022 ước khoảng 8%, lãi suất cho vay khoảng 4%/năm, có nghĩa lãi suất cho vay thực tại Mỹ đang ở mức âm 4%/năm. Như vậy, so với doanh nghiệp ở Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu lãi suất cao hơn 13,35%. Nếu so sánh với châu Âu, lãi suất của Việt Nam còn cao hơn.

“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải kinh doanh dưới áp lực lãi suất cho vay rất ghê gớm, làm sụt giảm sức cạnh tranh, nguy cơ bị đẩy lùi ngay tại thị trường nội địa, nhường chỗ cho doanh nghiệp FDI đang không phải chịu mặt bằng lãi suất cao” – vị chuyên gia đánh giá.

Theo ông, lãi suất nước ta tăng mạnh thời gian không phải do lạm phát hay room tín dụng mà là do cung tiền. Năm 2022, cung tiền của chúng ta chỉ tăng hơn 7% trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành (GDP danh nghĩa) ước tăng 11,2%. Điều này có nghĩa là cung tiền năm ngoái thiếu so với tăng trưởng GDP theo giá hiện hành. Nói cách khác, chúng ta đang thiếu lượng tiền lưu thông để tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Sở dĩ nửa đầu năm 2022 nền kinh tế không thiếu tiền là do năm 2021, tăng trưởng GDP danh nghĩa chỉ 4,6% nhưng cung tiền lại tăng tới 11%. Điều này đã hỗ trợ cho 2 quý đầu năm 2022, giúp nền kinh tế không rơi vào tình trạng nghẽn mạch thanh khoản.

Tuy vậy, lượng tiền năm 2022 bơm ra nền kinh tế bị hụt, không thể hỗ trợ cho năm 2023 này. “Đây là điều NHNN cần phải tính toán sớm vì độ trễ của chính sách tiền tệ rất lớn, có thể lên tới 6 tháng đến 1 năm. Hơn nữa, vòng quay tiền tệ của Việt rất thấp (năm 2022 chỉ khoảng 0,6 vòng/năm) trong khi tại Mỹ là 1,6-2 vòng/năm” – vị chuyên gia nói.

Ông cũng cho biết thêm, năm 2023 dựa trên nền tảng tăng trưởng mạnh năm 2022, thì để tăng trưởng 6,5% nền kinh tế cần lượng cung tiền rất lớn.

Cung tiền tăng sẽ đẩy lạm phát tăng lên, chính vì vậy mà NHNN phải tính toán ở mức độ hợp lý. Dù vậy, ông cho rằng lạm phát năm nay có thể khó lên tới mức 4,5% như mục tiêu, vì cầu tiêu dùng đang giảm khá nhanh trong nước.

“Hiện nay, doanh nghiệp đang rất khó khăn, chúng ta không thể “treo” lãi suất cao như vậy mãi được. Theo tôi, lãi suất huy động thực chỉ khoảng 2-3% là phù hợp. Có nghĩa lạm phát 4% thì lãi suất huy động chỉ 6-7%/năm là hợp lý, khi đó lãi suất cho vay không trở nên quá sức với doanh nghiệp” – vị chuyên gia nói.