Ngân hàng Nhà nước hút tiền về để giảm dư thừa thanh khoản và hạ nhiệt tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 2 phiên giao dịch, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 20.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu nhằm giảm bớt sự dư thừa thanh khoản và hạ nhiệt vấn đề tỷ giá.

Theo kết quả chào bán tín phiếu được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong phiên 22/9, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất.

Kết quả, có 5 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,5%. Trước đó, trong phiên 21/9, Ngân hàng Nhà nước cũng chào bán thành công gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường, cũng với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%.

Như vậy, sau 6 tháng không sử dụng đến nghiệp vụ này thì nhà điều hành đã hút về tổng cộng 20.000 tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng sau 2 ngày khởi động trở lại kênh này.

Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, tiếp tục không có nghiệp vụ mới phát sinh và lượng lưu hành vẫn duy trì ở mức 0.

Động thái hút tiền khỏi thị trường của Ngân hàng Nhà nước trong 2 phiên gần đây diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống liên tục dư thừa.

Việc tiền đồng dư thừa đã khiến tỷ giá leo thang thời gian qua

Việc tiền đồng dư thừa đã khiến tỷ giá leo thang thời gian qua

Số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng vẫn đang tăng trưởng rất chậm, tính đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm khoảng 14-15%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 5,33% đến cuối tháng 8.

Việc dư thừa thanh khoản khiến các ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động. Cuối tuần trước và đầu tuần này, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước là Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV đã đồng loạt giảm lãi suất huy động thêm 0,2 – 0,3%/năm, đưa lãi suất huy động cao nhất về chỉ còn 5,5%/năm – là vùng thấp nhất trong lịch sử thị trường tiền tệ.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất duy trì ở mức rất thấp. Lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn chủ chốt là qua đêm giảm xuống chỉ còn 0,14%/năm; kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần giảm còn lần lượt 0,33 – 0,40%/năm; kỳ hạn 1 tháng là 1,03%/năm.

Việc lãi suất tiền đồng nguội lạnh trong khi đồng USD tiếp tục neo cao đã khiến tỷ giá nóng lên thời gian gần đây. Hiện chỉ số USD Index (đo lường sức mạnh đồng USD với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác) đang đứng ở mức sát 105,6 điểm, là mức cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.

Trong nước, tỷ giá trung tâm cũng được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức kỷ lục 24.060 VND/USD. Giá bán tham khảo USD tại Sở Giao dịch NHNN cũng leo lên mức cao nhất mọi thời đại, 25.213 VND/USD trong phiên 22/9.

Tại hệ thống ngân hàng, Vietcombank sáng nay niêm yết giá mua – bán đồng USD ở mức cao 24.190 – 24.530 VND/USD.

Theo các chuyên gia đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước quay trở lại hút tiền khỏi hệ thống ngân hàng là hợp lý, nhằm giảm bớt sự dư thừa thanh khoản và hạ nhiệt vấn đề tỷ giá.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, về mặt kinh tế học, lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng. Do đó điều hành chính sách tiền tệ cần phải có sự hài hoà, ổn định thị trường tiền tệ là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước.

“Tại cuộc họp gần đây, tôi cũng đã có nói, điều hành tỷ giá phải trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP là gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó đây là một bài toán khó” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói. Người đứng đầu NHNN cũng khẳng định hiện NHNN theo dõi rất sát tỷ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.