Toàn bộ bốn ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất về vùng thấp nhất lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau Agribank và Vietcombank, đến lượt BIDV và VietinBank tiếp tục giảm lãi suất huy động, đưa mặt bằng lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng Nhà nước về vùng thấp nhất lịch sử.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng cuối cùng trong nhóm big 4 công bố giảm lãi suất huy động trong đợt giảm mới nhất lần này. Theo đó, tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, mức lãi suất tiền gửi sẽ đồng loạt giảm 0,2 – 0,3 điểm %.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,1 - 0,2%; các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng lãi suất 3%/năm.

Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 3,8%/năm xuống 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 4,7% xuống 4,5%/năm.

Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng được VietinBank giảm từ 5,8%/năm về mức 5,5%/năm.

Lãi suất huy động ở các ngân hàng lớn giảm xuống vùng thấp nhất lịch sử

Lãi suất huy động ở các ngân hàng lớn giảm xuống vùng thấp nhất lịch sử

Đây cũng là mức lãi suất tương đồng với 3 nhà băng có vốn Nhà nước còn lại. Trước đó, Vietcombank và Agribank là 2 ngân hàng đầu tiên giảm thêm lãi suất huy động về mức cao nhất chỉ còn còn 5,5%/năm kể từ ngày 14/9. Tiếp theo, đến ngày 18/9, BIDV cũng có động thái tương tự khi giảm 0,2-0,3 điểm % ở hầu hết các kỳ hạn.

Hiện 4 ngân hàng nêu trên có mạng lưới hoạt động lớn nhất Việt Nam, cũng là những ngân hàng có quy mô tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống, chiếm khoảng gần 50% thị phần toàn hệ thống.

Với việc giảm lãi suất huy động lần này, mặt bằng lãi suất huy động đã về ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19. Dự báo làn sóng giảm lãi suất huy động mới sẽ tiếp tục lan rộng trong các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thời gian tới. Hiện lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ quanh 7% một năm và cũng không nhiều nhà băng sẵn sàng trả mức này.

Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2023, tín dụng mới tăng 5,56% (cùng kỳ tăng 9,88%). Việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thiếu vắng đơn hàng... là nguyên nhân chủ yếu khiến nhu cầu vay tiền của các doanh nghiệp suy giảm. Ngoài ra, tín dụng bất động sản cũng gặp khó khi các doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt pháp lý...

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, vốn ngân hàng hiện nay đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải “chữa bệnh” thừa tiền. “Chữa bệnh thiếu tiền đã khó nhưng chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn. Nếu thiếu tiền, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền thì NHNN cũng không “cứu” được”, ông Đào Minh Tú nói.

Theo giới phân tích, lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm. Dù vậy, với việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại cùng áp lực tỷ giá sẽ phần nào khiến đà giảm của lãi suất cho vay giảm tốc.