Giảm mạnh lãi suất, ngân hàng lớn vẫn chật vật tìm khách vay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều ngân hàng lớn giảm mạnh lãi suất cho vay, dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn, song vẫn không dễ tìm được khách hàng để cho vay.

Lãi suất cho vay đã giảm sâu

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, từ đầu năm đến nay Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2-3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản...

Đồng thời, Agribank cũng triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường; 2 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với 425 nghìn tỷ đồng dư nợ đến 31/03 tiền vay hiện hữu…

Dù vậy, tín dụng tại ngân hàng này vẫn tăng trưởng chậm. Tính đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, mới tăng 2,4% so với đầu năm.

Tại một ngân hàng quốc doanh lớn khác là BIDV, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc cũng cho hay, trong 8 tháng đầu năm ngân hàng đã 4 lần giảm lãi vay, trong đó, riêng trong tháng 8/2023, lãi - suất các khoản cho vay mới đã giảm 1% so với tháng trước. Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 8/2023 của ngân hàng cũng mới tăng 5,72% so với chỉ tiêu cả năm là 14%.

Các ngân hàng đều mong tìm được khách hàng tốt để cho vay

Các ngân hàng đều mong tìm được khách hàng tốt để cho vay

Lãnh đạo các ngân hàng lớn đều bày tỏ mong muốn tìm được các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, rõ ràng, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân hàng để tạo niềm tin cho ngân hàng.

“Hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không hoạt động ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả”, Tổng giám đốc BIDV chia sẻ.

Lãnh đạo Agribank cũng bày tỏ, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có thêm các giải pháp kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư như hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường...

Cùng với đó, phải tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền…

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long mới đây, qua ý kiến các doanh nghiệp, có thể thấy lãi suất không còn là vấn đề gây khó khăn cho các doanh nghiệp, mà vướng mắc lớn nhất lại là thủ tục tiếp cận vốn.

Nhiều doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản cho biết họ đang được vay vốn với lãi suất 6-7%/năm với tiền đồng và 3,8-4,5%/năm với ngoại tệ, là mức lãi suất rất “dễ thở” đối với khu vực “tam nông”.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh ngân hàng còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong cấp hạn mức tín dụng, dẫn đến khi doanh nghiệp cần thì không vay được, đến lúc muốn cho vay thì doanh nghiệp không cần nữa. Việc triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lĩnh vực lâm, thủy sản cũng được phản ánh là còn chậm.

Đau đầu “chữa bệnh” thừa tiền

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2023, tín dụng mới tăng 5,56% (cùng kỳ tăng 9,88%). Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, khó khăn nhất là hiện nay tiêu thụ sản phẩm, thị trường giảm, đơn hàng thiếu vắng, cầu của thị trường thế giới và trong nước đều giảm. Doanh nghiệp khó khăn tác động trực diện tới các ngân hàng.

Dù nhiều ngân hàng trung ương thế giới vẫn trong chu kỳ thắt chặt, nhưng từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy tín dụng cần có sự tháo gỡ từ hai phía. Đầu tiên, phải tháo gỡ cho doanh nghiệp khó khăn về thị trường, về tạm trữ… để doanh nghiệp yên tâm vay vốn, bởi ngân hàng không thể cho vay nếu doanh nghiệp cứ “xua tay” không cần vốn. Ngoài ra, cần tháo gỡ khó về mặt pháp lý cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay, với nhiều dự án bất động sản, ngân hàng sẵn vốn nhưng không thể giải ngân vì thiếu pháp lý.

Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp cần bàn tay của Chính phủ chứ riêng ngành ngân hàng không giải quyết được, ví dụ như câu chuyện xúc tiến thị trường, thúc đẩy hợp tác chiến lược với các nước…

Phía ngân hàng cũng phải tích cực phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng. Theo Phó thống đốc, trước đây vẫn có tình trạng một số ngân hàng thương mại chậm giảm lãi vay song hiện nay, không còn ngân hàng nào không giảm lãi suất nếu không muốn mất khách hàng.

Lãnh đạo NHNN cũng lần nữa khẳng định vốn ngân hàng hiện nay đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải “chữa bệnh” thừa tiền.

“Chữa bệnh thiếu tiền đã khó nhưng chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn. Nếu thiếu tiền, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền thì NHNN cũng không “cứu” được”, ông Đào Minh Tú chia sẻ.