Ngân hàng đề xuất tăng thời gian cơ cấu nợ với doanh nghiệp lưu trú, lữ hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số tổ chức tín dụng cho rằng cần xem xét lại về thời hạn cơ cấu nợ với một số lĩnh vực có tốc độ phục hồi chậm sau dịch như dịch vụ lưu trú, lữ hành.

Một trong những điểm quan trọng được quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 tới, là NHNN cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021.

Trước đó, Thông tư 01 chỉ cho phép tái cơ cấu với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ từ 23/1/2020 đến sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch.

Tuy nhiên, NHNN vẫn giữ nguyên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu nợ. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Doanh nghiệp dịch vụ lưu trú, lữ hành được cho là sẽ hồi phục chậm hơn các lĩnh vực khác

Doanh nghiệp dịch vụ lưu trú, lữ hành được cho là sẽ hồi phục chậm hơn các lĩnh vực khác

Về vấn đề này, đại diện một số tổ chức tín dụng cho rằng cần xem xét lại về thời hạn cơ cấu nợ với một số lĩnh vực có tốc độ phục hồi chậm sau dịch, đơn cử như dịch vụ lưu trú, lữ hành.

Theo bà bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank), Thông tư 03 áp dụng chung cho tất cả các ngành. Hiện nay, nhiều ngành đã hồi phục, cộng với bằng năng lực tài chính đã có thể trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, riêng với lĩnh vực lưu trú, lữ hành… vẫn còn nhiều khó khăn.

“Hiện nay, NHNN đã có hẳn thông tư cơ cấu nợ cho VietnamAirline, nhưng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành, đặc biệt là tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa… thì còn rất khó khăn. Chúng tôi cho rằng phải đến khi nào chúng ta mở cửa với thị trường quốc tế thì doanh nghiệp mới có nguồn thu để trả nợ” – bà Phạm Thị Trung Hà cho biết.

Vì vậy, theo đại diện ngân hàng này, Thông tư 03 áp dụng áp dụng cơ cấu nợ thêm 12 tháng kể từ ngày được cơ cấu nợ là vẫn rất khó khăn cho nhóm khách hàng này. “Chúng tôi đang làm việc với các khách hàng khu vực này để tìm hướng giải quyết và đưa ra kiến nghị. Lĩnh vực lưu trú nếu chỉ cho thêm 12 tháng sẽ vẫn còn khó khăn, vì vậy nên xem xét nới thêm cơ cấu thời gian trả nợ, ví dụ như 24 tháng hoặc một thời điểm thích hợp nào đó”, bà Hà nêu quan điểm.

Cũng theo Phó Tổng giám đốc MB, sau khi ngân hàng thực hiện giảm lãi suất, cơ cấu nợ, các doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt hơn. Cụ thể, từ khi cơ cấu nợ năm 2020, đã có tới 80% khách hàng có thể trả nợ đúng hạn, còn lại 20% chưa trả nợ đúng hạn, tập trung lĩnh vực lưu trú, du lịch, dịch vụ.

Về vấn đề phải áp dụng trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu với việc giãn thời gian trích lập dự phòng trong 3 năm, theo các TCTD là phù hợp nhằm giảm áp lực trích lập cho các ngân hàng.