Ngân hàng “bùng nổ” lợi nhuận trong quý I, có nên vội mừng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ngân hàng vừa đồng loạt công bố những con số lợi nhuận trong quý I với mức tăng mạnh, thậm chí tăng gấp nhiều lần cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng lợi nhuận quý I sẽ không phải là thước đo phản ánh xu hướng của cả năm.

Lợi nhuận tăng mạnh

Đầu tháng 4, hàng loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I, trong đó, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng vẫn hết sức lạc quan, nhiều nhà băng tăng gấp đôi, gấp ba cùng kỳ.

Đơn cử như trường hợp MSB, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đã tăng gấp 4 lần so với quý I năm ngoái, lên mức 1.200 tỷ đồng. Vietinbank ước tính lãi trước thuế quý I/2021 đạt khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, cao hơn 135-175% so với cùng kỳ năm trước.

Vietcombank, lợi nhuận quý đầu năm ước cũng đạt tới 7.000 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ; MB cũng tăng gấp đôi, lên mức gần 4.600 tỷ đồng; ACB tăng 61% lên 3.100 tỷ đồng; SeABank đạt 698,3 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ…

Theo các chuyên gia, triển vọng tích cực của việc kiểm soát dịch Covid-19 cùng với tiến trình sản xuất, cung ứng vaccine tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu sẽ kéo theo sức cầu tiêu dùng và tín dụng, dịch vụ tài chính tăng lên trong năm 2021. Nhờ đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn

Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn

TS Cấn Văn Lực và các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự đoán, tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 sẽ tích cực hơn năm 2020 và có thể tăng khoảng 12-14%. Ngoài ra, thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động cũng sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt hơn nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến qui trình và cơ cấu lại màng lưới, tổ chức – bộ máy. Cùng với gánh nặng trích lập dự phòng rui ro không quá lớn (theo Thông tư 03, lộ trình trích lập dự phòng rủi ro của các khoản nợ được cơ cấu lại sẽ thực hiện trong 3 năm, trong đó năm 2021 trích tối thiểu 30%).

Chưa vội mừng

Dù bức tranh lợi nhuận ngân hàng đang được vẽ nên bởi những gam màu sáng, nhưng theo nhóm nghiên cứu của TS Cấn Văn Lực, lợi nhuận quý I của các ngân hàng không phản ảnh đầy đủ, chính xác xu hướng lợi nhuận cả năm do chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro. Thực tế cho thấy, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng rất khác nhau theo quý và có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm.

Thứ hai là Thông tư 03 mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 nên nhiều ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro đủ 30% theo tinh thần của Thông tư này.

Thứ ba, lợi nhuận quý I năm nay tăng mạnh, nhưng là so với nền lợi nhuận rất thấp của quý 1/2020, do đó con số tăng tuyệt đối là không nhiều.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn do dịch bệnh (trong quý I/2021, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 23.837 doanh nghiệp, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020), khiến nợ xấu (gồm cả nợ nhóm 2) có thể tăng lên, và như vậy, lợi nhuận các quý còn lại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Vì vậy, nhóm chuyên gia cho rằng, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2020 và 2021 cần nhìn nhận toàn diện, đầy đủ hơn thay vì chỉ tập trung vào hoạt động tín dụng và số liệu công bố theo quý (nhất là quý I).

Mặc dù vậy, nhóm tác giả vẫn cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 sẽ khả quan hơn, có thể tăng trưởng khoảng 20-25% so với năm 2020; trong đó đà tăng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng (đặc biệt là dịch vụ), tiết giảm chi phí và từ các công ty con sẽ tiếp tục chiếm ưu thế so với nguồn thu từ hoạt động tín dụng.

Trong cuộc khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD cũng tỏ ra khá thận trọng khi dự báo về kết quả kinh doanh trong năm nay. Trong đó, có có 74,8% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II/2021 và 76,6% TCTD kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021. Vẫn còn 7,5% TCTD quan ngại triển vọng kinh doanh “suy giảm nhẹ” trong năm 2021.

Tỷ lệ TCTD dự kiến lợi nhuận trước thuế “tăng trưởng dương” trong năm 2021 là 87,5%, còn tỷ lệ TCTD lo ngại lợi nhuận “giảm” là 9,6%.