Ngăn đứt gãy chuỗi cung ứng lao động để vượt “bão” Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp cộng với thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nó không chỉ gây đứt gãy chuối cung ứng hàng hóa mà có thời điểm còn làm “tê liệt” thị trường lao động. Các chuyên gia cho rằng, thị trường lao động đang tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung và cầu.
Lao động “ồ ạt” về quê, doanh nghiệp thêm mối lo thiếu nhân lực

Lao động “ồ ạt” về quê, doanh nghiệp thêm mối lo thiếu nhân lực

Khó khăn chồng chất, lao động ồ ạt về quê

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực, có 557.000 người mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Chỉ tính riêng từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, các địa phương ghi nhận gần 10% số đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc.

Đặc biệt, từ cuối tháng 7-2021, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam với số ca F0 tăng nhanh. Với sức ép cuộc sống hàng ngày, tâm lý lo sợ lây nhiễm virus nên thời gian qua, nhiều người lao động đã tự phát ồ ạt về quê bằng các phương tiện cá nhân, không đăng ký với chính quyền địa phương, không được theo dõi y tế.

Số lao động tự phát di chuyển hơn 100.000 người khiến cho chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc theo dõi, các khu cách ly y tế quá tải. Nhận định về tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho hay, tình trạng dịch bệnh kéo dài buộc người lao động phải tìm công việc khác hoặc rời các khu công nghiệp về quê khiến doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong khi đó, một số địa phương lại dôi dư lao động, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy tạm thời chuỗi cung ứng nguồn nhân lực.

Thiếu hụt nguồn lực lao động lớn đang là nguy cơ nhãn tiền đối với doanh nghiệp nói riêng, thị trường lao động nói chung. Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM cũng đã đưa ra 2 kịch bản về nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm 2021. Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, dự kiến nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm 2021 cần khoảng 127.000 chỗ làm việc.

Chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp và người lao động

Việc thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Các doanh nghiệp chỉ duy trì được sản xuất ổn định khi giữ chân được lực lượng lao động và bảo đảm an toàn sản xuất trong điều kiện giãn cách. Một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây cho thấy, hầu hết doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, nhiều lao động, khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gặp rất nhiều khó khăn do các điều kiện cần thiết không được thiết kế từ đầu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất để ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động, chờ phục hồi sau đại dịch.

Trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực, có 557.000 người mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Chỉ tính riêng từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, các địa phương ghi nhận gần 10% số đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc.

Kinh doanh mặt hàng không thiết yếu nên doanh nghiệp chị Trương Thu Lan (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm việc phải tạm dừng hoạt động từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Mặc dù không đi làm, nhưng công ty vẫn hỗ trợ người lao động một phần tiền lương, nhằm giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. “Dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn nhưng vẫn tìm cách quan tâm đến đời sống của người lao động.

Đây là nỗ lực đáng trân trọng” - chị Trương Thu Lan tâm sự. Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt “bão” Covid-19, Chính phủ cũng cần quan tâm đến cách chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí/lệ phí...; hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng... Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, bảo đảm đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để họ vượt qua khó khăn cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Mới đây, tại phiên họp chuyên đề tình hình việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, khẳng định việc làm trong bối cảnh đại dịch là một vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập do tác động của dịch bệnh.

Để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp cấp bách là hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, bảo đảm đời sống cho lao động tạm trú, lao động tự do, giúp họ yên tâm “ai ở đâu thì ở yên đó”. Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đến nay đã có gần 14 triệu lao động cả nước tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù. Tại Hà Nội, các cấp, ngành, địa phương đã chung tay trợ giúp khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, tiền chi tiêu... cho hàng vạn lao động.

Kinh tế thế giới dự báo sẽ khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn cầu, từ đó, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh. Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản… sẽ tăng mạnh trở lại.

Dưới góc độ cơ quan chuyên môn, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho việc phục hồi kinh tế, Cục Việc làm đề xuất chú trọng ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu... nhằm duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đồng thời, ưu tiên tiêm phòng cho lao động ngoại tỉnh để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động, ổn định xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho họ.

Thông qua nhiều chính sách đang được triển khai, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh tin tưởng, mức độ tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, việc làm sẽ giảm dần, cả nước có thể đạt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho hơn 1 triệu người lao động trong năm 2021.