Ngăn chặn tư duy "hoàng hôn nhiệm kỳ"

ANTĐ - Theo phản ánh của ĐBQH tại phiên chất vấn ngày 17-11, cứ đến thời điểm cuối nhiệm kỳ, nạn tham nhũng lại gia tăng do tâm lý làm “chuyến tàu vét” trước khi “hạ cánh”, vậy giải pháp nào để ngăn chặn? 

Ngăn chặn tư duy "hoàng hôn nhiệm kỳ" ảnh 1ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) tại phiên chất vấn

Ngăn chặn tư duy "hoàng hôn nhiệm kỳ" ảnh 2

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: “Vừa qua cũng đã xảy ra một số trường hợp sai phạm như vậy”

Lo quan chức làm “chuyến tàu vét” trước khi “hạ cánh”

Chất vấn về vấn đề tham nhũng, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề cập việc nhiều ĐBQH từng cảnh báo về thực trạng một số quan chức Nhà nước thường tăng cấp tham nhũng cả về tần suất lẫn cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên lão”. Nhấn mạnh “hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ”, ĐB Lê Như Tiến chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ: “Giải pháp nào để chặn đứng việc quan chức Nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”.

Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, đây là câu hỏi hoàn toàn chính đáng và “thực tế, vừa qua cũng đã xảy ra một số trường hợp sai phạm như vậy”. Về giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cần nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Nếu đối tượng vi phạm là người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì phải phát huy vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể, công nhân viên chức để giám sát, ngăn chặn, tố giác hành vi tham nhũng. 

Trước đó, phiên chất vấn sôi nổi với phần hỏi đáp trực tiếp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình xung quanh vấn đề lạm phát “hàm” (hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó, hàm Trưởng phòng…) hiện đang áp dụng khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, tháng 6-2014, Bộ Nội vụ đã thành lập 1 tổ nghiên cứu xung quanh chức danh “hàm”, sau đó tiếp tục lập thêm 1 ban nghiên cứu để khảo sát, đánh giá. Trước phần trả lời không đi trúng trọng tâm của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội ngắt lời: “Trung ương áp dụng chức danh “hàm” như thế có đúng không, địa phương có làm được không?”. Bộ trưởng đáp: “Tới giờ này chưa có văn bản nào quy định cho phép áp dụng chức danh hàm”. Chủ tịch Quốc hội một lần nữa ngắt lời: “Thế Bộ trưởng nói dứt điểm xem có áp dụng được không, có công nhận chức danh hàm không?”. Bộ trưởng trả lời: “Trong khi nghiên cứu thì cả bộ, ngành Trung ương và địa phương không được tiếp tục làm như vậy”.


“Để nhiệm kỳ tiếp theo trả lời”! 

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh khiến hội trường Quốc hội cười nghiêng ngả. ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) hỏi: “Nhìn sang các nước trong khu vực, chúng ta không so sánh với Thái Lan vì đây là một nước phát triển mạnh về du lịch. Chúng ta chỉ so sánh với Lào và Campuchia?”. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đã cam kết “5 quốc gia, 1 điểm đến”.

Việt Nam mong muốn du lịch Lào, Campuchia phát triển mạnh hơn nữa vì qua đó Việt Nam cũng hưởng lợi”. Cũng trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng nói: “Tôi nhớ phiên chất vấn trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có đặt câu hỏi là bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore, tôi bỏ ngỏ, để cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời”.

Sau khi đưa ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chốt lại: “Với tư cách là người đứng đầu ngành VH-TT&DL, với những gì chưa đạt được mong muốn của nhân dân và các ĐBQH, tôi xin chịu trách nhiệm. Và trách nhiệm của tôi là sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp”. Câu nói này của Bộ trưởng khiến hội trường Quốc hội một lần nữa ồ lên.

Trong lĩnh vực thông tin truyền thông, các ĐBQH tập trung chất vấn vào vấn đề quy hoạch viễn thông, tin nhắn rác, quản lý trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết, tin nhắn rác hoành hành do thời gian qua, ngành viễn thông phát triển nhanh và nóng. Hiện có đến 126 triệu thuê bao (121 triệu thuê bao di động, trong đó có 111 triệu thuê bao trả trước). “Các thuê bao trả trước này chưa được quản lý tốt dẫn đến tình trạng sim rác, sim ảo. Hầu hết tin nhắn rác xuất phát từ thuê bao trả trước. Việc quản lý thuê bao trả trước là vấn đề rất lớn đối với ngành” - Bộ trưởng chia sẻ.

Cũng trong phiên chất vấn ngày 17-11, trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) về việc “liệu bong bóng bất động sản (BĐS) có quay lại?”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đối chiếu từ lý thuyết đã được nghiên cứu với tình hình nước ta hiện nay, khó xảy ra tình trạng bong bóng BĐS. “Tuy nhiên, diễn biến của thị trường BĐS rất phức tạp, không thể chủ quan, phải chủ động điều hành, quản lý để thị trường phát triển ổn định” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói. 

Cam kết thu hồi được 34.000 tỷ đồng nợ thuế

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) dẫn lại con số của Bộ Tài chính cho thấy, trong số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hiện nay, có khoảng 34.000 tỷ đồng là của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không chịu trả. Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết, thời gian tới chắc chắn sẽ thu hồi được 34.000 tỷ đồng trong tổng số 72.000 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng tính đến thời điểm này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, với việc cơ cấu lại nợ như kế hoạch, đỉnh nợ công của nước ta sẽ rơi vào năm 2017 với tỷ lệ 64% nhưng đến năm 2020, con số này chỉ còn 58,5%.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội): Chưa thỏa mãn được mong đợi

“Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này đan xen với thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội. Theo tôi, như vậy là không rạch ròi, không tiết kiệm thời gian, chưa thỏa mãn được mong đợi của ĐBQH và cử tri.  Không chỉ tôi mà nhiều ĐBQH khác cũng băn khoăn với chương trình chất vấn đổi mới như thế. Nên chăng, Quốc hội tổ chức thảo luận riêng, chất vấn và trả lời chất vấn riêng. Kết thúc chất vấn, Quốc hội có Nghị quyết cuối nhiệm kỳ để khóa sau các ĐB theo dõi việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ ở khóa này”.

Hà Trang (Ghi)