Ngăn chặn lạm quyền trong bổ nhiệm

ANTD.VN - Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của Dự án hỗ trợ cải cách chế độ công vụ, công chức Việt Nam giai đoạn 2015-2017. 

Đây là dự án được khởi động từ năm 2015 với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công. Sau khi được triển khai, dự án đã hỗ trợ phân tích và xây dựng bản mô tả vị trí việc làm tại nhiều cơ quan Nhà nước.

Dự án cũng đã khảo sát 8 bộ, 10 tỉnh, thành phố để tìm hiểu hệ thống chức danh tiêu chuẩn hiện tại và đưa ra một số đề xuất để làm cơ sở cho việc quy hoạch, tuyển chọn, bồi dưỡng, đánh giá và tạo nguồn những nhà lãnh đạo, quản lý. Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh mà dự án vừa thực hiện sẽ giúp thúc đẩy nền công vụ Việt Nam tiệm cận mô hình quản lý tiên tiến của các nước trong quá trình cải cách.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, công tác cán bộ là vấn đề hết sức quan trọng và con người là nhân tố quyết định, chính vì vậy, cần chấn chỉnh tất cả các khâu từ tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc phải đổi mới công tác cán bộ.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ quyết tâm: “Thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà”. Có thể thấy, yêu cầu về sự minh bạch, khách quan trên cơ sở đánh giá đúng năng lực trong công tác tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ là hết sức bức thiết và có tính thời sự. Nguyên do là trong thời gian qua, dư luận và người dân đã chứng kiến không ít  trường hợp lạm quyền trong công tác bổ nhiệm, dẫn tới tình trạng “cả họ làm quan” hay “thăng chức thần tốc”. Chưa kể, những người giữ vị trí lãnh đạo ồ ạt bổ nhiệm khi tới thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”…

Những vấn đề này cũng từng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân hết sức trăn trở. Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, công tác cán bộ ở nhiều nơi có tình trạng đưa ra tiêu chuẩn điều kiện gì cũng thấy đáp ứng được.

Quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cũng làm đủ, lấy phiếu đều trên 50%, thông qua các cấp đầy đủ hết nhưng lại có trường hợp bổ nhiệm xong thì không lâu sau bị kỷ luật, bị bắt đi tù. Quy trình, thủ tục làm đúng hết, chỉ mỗi tội chọn người… không đúng.

Là người đứng đầu cơ quan có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, điểm mấu chốt của công tác quy hoạch cán bộ là phải chọn đúng người. Làm công tác cán bộ là phải quản lý được cán bộ, hiểu được cán bộ chứ không phải chỉ dựa vào quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn.

Còn theo các chuyên gia lĩnh vực hành chính công, trong quản lý dịch vụ công, sự hài lòng của dân là điều kiện rất quan trọng và để có được sự hài lòng đó thì cần áp dụng nguyên tắc thực tài. Nghĩa là việc tuyển dụng, bổ nhiệm cần đánh giá đúng năng lực và giá trị tạo ra của ứng viên cho vị trí cụ thể, đồng thời thi tuyển cạnh tranh cho các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý là việc làm cần thiết.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc về việc tuyển chọn người tài vào làm việc ở khu vực công cho thấy, tất cả các chức vụ bổ nhiệm và trách nhiệm của một công chức đều dựa trên năng lực được công nhận qua các bài thi.