“Ngại” đầu tư xây dựng điểm trông giữ xe do mức phí không phù hợp

ANTĐ -Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật phí và lệ phí và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.

Trong phần thảo luận về Dự thảo Luật phí và lệ phí, hầu hết các đại biểu đồng tình với  báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách. Các vấn đề được quan tâm, đóng góp ý kiến là phạm vi điều chỉnh của Luật, các khái niệm trong dự thảo, danh mục phí, lệ phí, nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí, các trường hợp miễn giảm phí, lệ phí, các hành vi bị nghiêm cấm…

Các ĐBQH đoàn TP.Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 29-5

 Về nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) tán thành sự cần thiết ban hành Luật phí và lệ phí.  Tuy vậy, danh mục phí, lệ phí như trong Dự thảo chưa được quy định chi tiết. Nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí cũng chưa rõ ràng dẫn đến cùng một dịch vụ như nhau sẽ có mức phí khác nhau. Phần định nghĩa nên bổ sung, làm rõ nội hàm phí và lệ phí. Việc quy định các trường hợp bị nghiêm cấm là cần thiết nhưng còn thiếu, chưa đưa ra được chế tài xử lý hành vi vi phạm. Về thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước quản lý phí, lệ phí,  cần quy định rõ việc phân cấp thu chi giữa trung ương và địa phương, nguyên tắc miễn giảm phí, lệ phí…

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phát biểu
Còn theo ĐB Chu Sơn Hà - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, điều quan trọng nhất trong dự thảo lần này là đã là tách phí, lệ phí ra khỏi giá. Tuy vậy, cơ quan soạn thảo cần xem xét lại các nguyên tắc xác định mức lệ phí, điều chỉnh một số khái niệm cho chính xác  như “cơ quan Nhà nước”, “cơ quan hành chính Nhà nước”, “cơ quan quản lý Nhà nước”…

 ĐB Nguyễn Phi Thường - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lại cho rằng, việc ban hành  Luật phí và lệ phí là cần thiết  để xác lập khuôn khổ pháp luật chính thức trong lĩnh vực  phí và lệ phí. Tuy nhiên, nội dung dự thảo chủ yếu mới xây dựng danh mục phí và lệ phí, thẩm quyền  trong quản lý phí, lệ phí, các nội dung khác khá sơ sài, quy định các hành vi vi phạm pháp luật phí và lệ phí chưa đầy đủ, chưa có quy định về chế tài xử lý vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường phát biểu

Qua thực tiễn triển khai, một số dịch vụ áp dụng cơ chế phí chưa bao trùm được các trường hợp dẫn đến phát sinh bất cập. Cụ thể, đó là phí trông giữ phương tiện (dự kiến được chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước quy định mức giá cụ thể). Mức phí trông giữ phương tiện trên địa bàn Hà Nội hiện nay không khuyến khích cá nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng bãi đỗ xe đặc biệt là bãi đỗ xe cao tầng, ngầm do không thể thu hồi vốn đầu tư.

Như vậy, chính sách về phí trông giữ phương tiện hiện hành chỉ phù hợp với loại hình khai thác sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè mà không cần bỏ vốn đầu tư hoặc với các tòa nhà chung cư, khu đô thị đã tính chi phí xây dựng tầng đỗ xe vào giá thành sản phẩm. Và như vậy, đồng nghĩa với việc nếu để giải quyết vấn đề bức xúc về chỗ đỗ xe tại các đô thị lớn thì Nhà nước phải bỏ ngân sách để đầu tư , đặt gánh nặng lên ngân sách Nhà nước.

Cũng theo ĐB Nguyễn Phi Thường, phí dịch vụ trông giữ xe cũng chưa phân định rõ  phí dịch vụ chỗ đỗ xe và phí dịch vụ trông giữ an toàn tài sản đối với phương tiện. Để khắc phục những tồn tại này, Chính phủ nên xem xét có chính sách về giá dịch vụ trông giữ xe phù hợp với thực tế hiện nay để khuyến khích xã hội hóa đầu tư  bãi đỗ xe góp phần giải quyết tình trạng rất thiếu chỗ đỗ xe, nhất là tại các khu đô thị lớn cũng như có chính sách  về sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè  để mức giá trông giữ phương tiện không gây bất lợi cho loại hình phải bỏ vốn đầu tư…
ĐB Phạm Huy Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu quan điểm, cần quy định cơ quan thực hiện công tác thanh tra kiểm tra trong việc thu phí, lệ phí, quy định giá phí, xử lý vi phạm nhằm tránh trường hợp thu phí, lệ phí tràn lan.
Cũng trong sáng 29-5, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kế toán. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, nên bỏ hẳn quy định về đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán để tạo điều kiện cho người lao động làm việc, kiếm sống. Việc họ đã bị quản lý bằng chứng chỉ hành nghề và bằng cấp chuyên môn là đủ, nên chuyển trọng tâm quản lý sang các doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Đồng thời, cần quy định cụ thể, chi tiết về quy trình lập báo cáo tài chính nhà nước, trách nhiệm lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của báo cáo, bảo mật thông tin kế toán nhà nước, thẩm tra kiểm toán lại báo cáo tài chính nhà nước….