Ngã xuống giữa thời bình

ANTĐ - Những ngày tháng 7, cả nước tri ân những người con đã ngã qua hai cuộc kháng chiến và chiến tranh biên giới. Máu của họ đã đổ vì hòa bình và độc lập của dân tộc, nhưng hôm nay khi không còn tiếng súng của chiến tranh, máu của những người chiến sỹ công an vẫn đổ cho sự bình yên. Mặt trận phòng chống tội phạm luôn nóng bỏng và khốc liệt. Và trên mặt trận ấy có biết bao nhiêu chiến sỹ công an đã hy sinh hay mang trong mình thương tật suốt đời.

Ma túy - trận chiến nào cũng cam go

Ngã xuống giữa thời bình ảnh 1

Khi ngồi viết những dòng này, lại nhớ lại vụ án ở Hang Kia, Hòa Bình. Tôi nhớ hôm ấy là những ngày giáp Tết Nguyên đán, một đồng chí phòng Hồ sơ của Công an tỉnh Hòa Bình thông báo cho tôi biết một thông tin  3 chiến sỹ công an, trong đó có cả đồng chí Phó Công an huyện Mai Châu vừa hy sinh trong khi truy lùng những tên trùm ma túy? Đến giờ, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc của cuộc điện thoại đó.

Thượng tá Hà Thái Yềm, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu, Trung úy Bùi Quốc Đại, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hòa Bình và Thiếu úy Sùng A Trư, Đội CSĐT TPMT Công an huyện Mai Châu - các anh đã ngã xuống giữa thời bình. Ngày 5-2-2010 nhận được tin kẻ buôn bán ma túy trốn lệnh truy nã đặc biệt Vàng A Khua xuất hiện tại nhà ở bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, hàng chục cảnh sát đã bao vây truy bắt. “Ông trùm” ma túy khét tiếng ở Hòa Bình chống cự quyết liệt, không chịu hạ vũ khí. Vàng A Khua dùng những người thân trong gia đình để làm bình phong ngăn cản lực lượng cảnh sát tấn công.

Trận chiến diễn ra hết sức căng thẳng, một ngày sau, bằng thuyết phục của công an, con trai Khua là Vàng A Của (35 tuổi) tự nguyện ra khỏi nhà. Khi cảnh sát tiếp cận, bất ngờ Khua dùng súng AK bắn xối xả vào lực lượng làm nhiệm vụ. Hắn thậm chí còn bắn chết chính con trai mình sau đó bắn chết Thượng tá Hà Thái Yềm (52 tuổi, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu), Thiếu úy Sùng A Trư (26 tuổi, Công an huyện Mai Châu) và Trung úy Bùi Quốc Đại (28 tuổi, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy), làm bị thương một số đồng chí công an khác. Nhận thấy Khua quá nguy hiểm nên các chiến sỹ công an đã bắn chết ngay sau đó.

Trên mặt trận phòng chống tội phạm, thì tội phạm ma túy luôn là đối tượng manh động và liều lĩnh, chúng sẵn sàng dùng súng chống trả lực lượng công an đánh đổi tính mạng của mình chính vì thế giữa cái sống và cái chết cũng rất mong manh. Cũng trên tuyến biên giới Việt - Trung, lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn đã có vụ vây bắt đối tượng buôn bán ma túy cũng đầy gay cấn và đầy kịch tính. Trần Đức Nghĩa (SN 1975) vốn là cái tên chẳng xa lạ với lực lượng công an. Trong vai một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành đạt, hắn đã hình thành một đường dây ma túy Sơn La-Bắc Ninh-Lạng Sơn.

Sau rất nhiều thời gian theo dõi di biến động của nhóm tội phạm này, các anh biết mình sắp cất một mẻ lưới lớn. Giờ G đã đến, khi lực lượng chức năng ập vào nhà Đào Minh Huệ - một đồng bọn của Trần Đức Nghĩa, phát hiện cả ổ nhóm tội phạm đã ở đây, Nghĩa bị khống chế ngay với túi đựng vũ khí, không kịp thò tay lấy khẩu súng. Nhanh như cắt, Sơn “trọc” rút súng, gí vào đầu một trinh sát, tỉnh táo, trinh sát này đẩy tên Huệ về phía tên Sơn, thoát hiểm. Lợi dụng nhốn nháo, Huệ lẩn ra ngoài, Sơn chạy vào nhà vệ sinh, nổ súng về lực lượng truy bắt, làm Thượng tá Hứa Văn Tấn bị thương nặng. Không chịu đứng yên, một đồng bọn khác của tên Nghĩa nhảy lên chiếc ô tô dựng trước cửa nhà, nổ máy, lao nhanh về hướng trạm thu phí cầu Lường Mẹt. Hai trinh sát đi xe máy đuổi theo, bị tên này điều khiển xe chèn bánh, kẹp vỡ hai chiếc xe máy, đâm gãy barie của Trạm thu phí cầu Lượng Mẹt, chạy thoát. Sau loạt đạn chát chúa, Sơn “trọc” vùng chạy ra ngoài, chạy trốn lên đồi cách hiện trường vụ án khoảng 1km và đã tự sát vì biết mình không thể thoát khỏi vòng vây của 100 cán bộ chiến sỹ công an và quân đội. Trận chiến kết thúc, hai chiến sỹ công an bị thương và hy sinh còn bọn tội phạm ngoài Sơn “trọc” tự sát, tất cả đều bị bắt gọn. 

Những cuộc chiến giữa phố phường 

Mới đây nhất, tại quận 6, TP Hồ Chí Minh đối tượng Tạ Chí Hoàng xách súng tìm người hàng xóm là anh Huỳnh Ngọc Hải để “giải quyết” mâu thuẫn cá nhân. Sau khi sự việc xảy ra, Công an quận 6 đã cử 2 đồng chí CSHS xuống giải quyết vụ việc. Khi thấy hai chiến sỹ công an xuất hiện, Hoàng chạy vào nhà và từ đó nã súng khiến Trung úy Lê Hoàng Việt bị thương ở tay. Sau đó, lực lượng cảnh sát Công an quận 6 đến bao vây căn nhà, biết không thể thoát, Hoàng mở cửa đầu hàng. 

Không may mắn như Trung úy Lê Hoàng Việt, Trung sỹ Đỗ Đăng Long công tác tại Đại đội 3, Tiểu đoàn CSCĐ  Phòng CSBV và CSCĐ Công an TP Hải Phòng đã anh dũng hy sinh khi bị 35 mảnh đạn găm trên người. Đêm hôm ấy, như thường lệ, được lệnh của lãnh đạo đơn vị, ca tuần tra gồm 10 cán bộ chiến sỹ, thuộc Tiểu đoàn CSCĐ, Phòng CSBV và CSCĐ Công an thành phố Hải Phòng do Thượng úy Nguyễn Bá Nhật làm tổ trưởng. Trên hành trình tuần tra tại đường Hồng Bàng, đến cầu xi-măng, phát hiện 2 đối tượng có biểu hiện nghi vấn, tổ tuần tra quyết định cho xe quay lại kiểm tra. Khi Binh nhất Đỗ Đăng Long và Thượng sĩ Nguyễn Phú Kiên áp sát đối tượng, tên ngồi sau rút một khẩu súng hoa cải chĩa thẳng vào đồng chí Đỗ Đăng Long bóp cò. Mặc dù vết thương đạn hoa cải khắp người, song khi Thượng sĩ Kiên hỏi vội: “Long có sao không?”. Đúng lúc đó, hai người dân đi trên đường, một người đỡ Đỗ Đăng Long, người còn lại chở Thượng sĩ Nguyễn Phú Kiên tiếp tục đuổi bắt hai tên tội phạm nguy hiểm. Đỗ Đăng Long ngay sau đó đã được đồng đội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng). Bị 35 mảnh đạn găm trên người và một số mảnh găm vào áo giáp, Đỗ Đăng Long vẫn bình thản, không một tiếng kêu rên. Mặc dù được tập thể bác sĩ, y tá bệnh viện hết lòng cứu chữa, song do một số mảnh đạn làm gẫy xương sườn trái, thủng phổi và tim, gây mất máu cấp, đồng chí Đỗ Đăng Long đã hy sinh hồi 2h30 cùng ngày. 

Đã có lần tôi ngồi trò chuyện với những chiến sĩ cảnh sát cơ động, các anh bảo, công an ngành nào cũng vất vả nhưng CSCĐ đối diện với hiểm nguy trước mắt. Những đêm tuần tra giữa đường phố vắng lặng, yên ả cũng khiến các anh... lo vì sự nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào. Rồi các anh kể cho tôi nghe chuyện của Thượng sỹ Phạm Ngọc Sơn, tội phạm chẳng phải cứ bắn súng mới tử nạn mà có khi chỉ đâm xe cũng khiến anh em mất mạng. Thượng sỹ Sơn là một người như thế. Đêm ấy các anh đang trên đường tuần tra, bất ngờ bị Nguyễn Văn Hiếu (SN 1990) trú tại Tức Chanh, Phú Lương, Thái Nguyên,  điều khiển xe máy với tốc độ cao đâm vào từ phía sau. 4 ngày sau khi gặp nạn, Thượng sỹ Sơn đã trút hơi thở cuối cùng trong sự tiếc thương của gia quyến, đồng đội và tập thể y bác sỹ. Anh không kịp trăng trối điều gì với vợ con, bởi đã hôn mê sâu ngay từ khi nhập viện (do nứt hộp sọ, tụ máu não và huyết áp liên tục tụt). 

Và giữa thời bình này đã có biết bao liệt sĩ công an đã hy sinh vì sự bình yên của nhân dân. Đúng như những lời tâm sự của những chiến sĩ CSCĐ, đã là công an lực lượng nào cũng phải đối mặt với nguy hiểm và cả cái chết. Khó có thể kể hết được những tấm gương hy sinh anh dũng của lực lượng công an giữa thời bình, nhưng  đó cũng là  những lát cắt cơ bản nhất có thể hình dung sự nguy hiểm và trách nhiệm nặng nề mà những chiến sĩ công an đang phải gánh vác. Trên mặt trận phòng chống tội phạm đang diễn ra từng ngày, từng giờ, có biết bao những người chiến sĩ đã không  trở về với người thân. Nhưng trước khi bước vào trận chiến họ không bao giờ chùn bước bởi những người chiến sĩ ấy luôn xác định được rằng  mình hy sinh để  người khác được sống.